Hành trình về chuyện “viết”

Thời Tiểu Học,

Kí ức xa nhất mình có thể nhớ được về chuyện viết là những lần đi học thêm môn Văn hồi lớp 5. Mình không nhớ rõ đề tập làm văn là gì, mà chỉ còn nhớ cái cảm giác đến tận bây giờ. Đó là một cảm giác nặng nề, khiên cưỡng, không thể nào đặt bút viết được một câu văn đàng hoàng và nhanh như mấy đứa bạn khác cùng lớp. Những giờ học Văn mình cảm thấy áp lực khi cuối giờ phải nộp bài. Mình thấy vô cùng nặng nề khi phải làm bài tập về nhà để nộp vào buổi hôm sau. Kí ức về những bài kiểm tra văn trên trường thuở ấy còn đọng lại chỉ là việc mình đang nắn nót điền dòng chữ “Ngày….tháng…năm” ở hàng đầu tiên của tờ giấy đôi. Rồi mình cố gắng đúng nghĩa là rặn-ra-từng-con-chữ. Có những lần chép xong cái đề bài và câu hỏi hết một nửa trang đầu, mình mới viết xong một nửa trang còn lại giở qua mặt thứ hai thì mấy đứa khác giơ tay xin thêm tờ khác. Ủa? Và những lần có đứa giơ tay khi chưa hết giờ làm bài, kể cả khi chuẩn bị sắp hết giờ mà vẫn có đứa giơ tay, mình lại cảm thấy vô cùng áp lực mà thật sự không biết chúng nó viết cái gì mà nhiều vậy nhỉ? Hồi đó, cứ có cái tư tưởng bị ăn sâu vô thức trong đầu là viết càng nhiều, điểm càng cao. Hình như là nó hay đúng.

Lên cấp 2,

Mình vẫn đi học thêm môn văn. Lớp học đông lắm, nhưng tụi nó (kể cả mình) hay chui xuống mấy dãy ghế gần cuối, xa xa cô giáo cho đỡ bị gọi phát biểu. Tụi mình thương Cô lắm nhưng không hiểu sao, lúc nào cũng thấy sợ gần Cô. Mà ngặt nỗi, mỗi lần Cô kêu phát biểu toàn chỉ mấy đứa ngồi cuối lớp haha. Rồi cũng có những bài tập viết tại lớp, cuối giờ Cô kêu bất kì đứng lên đọc to cho cả lớp nghe rồi nhận xét. Mẹ ơi, chưa bao giờ mình thấy thoát khỏi áp lực của môn văn, với một đứa khó diễn đạt chữ nghĩa cho tròn vạnh như mình. Lớp mình có vài bạn làm văn giỏi lắm nha, mà toàn là nữ. Mỗi lần tụi nó đứng lên đọc bài viết, là chỉ có đem lòng ngưỡng mộ văn hay chữ tốt của nó. Còn những đứa nào lười, không viết gì nên hồn, là có những lần Cô la rầy thiệt nặng làm không khí trong lớp im phăng phắc, không đứa nào dám hó hé một tiếng động. Mình nhớ rõ nhất có lần cô nói “Tụi con mà học như vậy thì về cầm dao giết ba mẹ luôn đi”. Giờ nghĩ lại với những đứa con nít tuổi ấy, lời răn đe này có vẻ khá nặng cho trò, lẫn cho Cô vì mỗi lần như vậy thấy Cô giận tái mặt lắm. Rồi trên trường mỗi khi học môn văn là có tiết mục soạn bài trước theo mấy câu hỏi trong sách, viết vào một cuốn tập gọi là vở soạn văn. Mà đa phần đứa nào cũng mua mấy cuốn văn mẫu về, lấy câu nào hay, ý nào xem thấy được ở nhiều cuốn rồi chắp ghép thêm thắt lại cho thành của mình, đỡ phải dính lỗi “đạo văn”. Nhưng mà soạn văn chữ phải đẹp, bài soạn càng dài thì điểm sẽ cao. Nên một đám tụi mình, có lẽ vô thức chạy theo thành tích từ đó. Và cũng tự gây không ít áp lực cho bản thân. Mình nhớ có những đêm mình thức nguyên đêm để nắn nót chép y chang từng ý trong sách văn mẫu vô vở bài soạn, để hôm sau có bài nộp. Rồi những đứa có chữ đẹp sẽ được chọn đi thi vở sạch chữ đẹp mỗi năm, nhân ngày 20/11 hay 26/3 gì đó.

Học Văn ở cấp 3,

Môn văn vẫn là môn mình vẫn cảm thấy áp lực vì chuyện viết. Mình nghĩ không phải đứa nào diễn đạt cũng giỏi, và dồi dào ý tưởng. Có những đứa cũng giống mình, cảm thấy vô cùng khó khăn về chuyện viết. Lớp mình được học với cô giáo khá trẻ và cực dễ thương. Những tiết văn ít ra làm mình cảm thấy có một chút xíu hứng thú mỗi khi nghe Cô giảng bài. Và những chuyện ngoài lề xung quanh việc học, đi karaoke, đi chơi chung với Cô lại là những điều mình cảm thấy nhớ nhất. Nhưng những lúc kiểm tra 1 tiết, 2 tiết, mình vẫn luôn thấy áp lực. Có lần giờ kiểm tra lớp 12, mình đã để cuốn văn mẫu dưới hộp bàn rồi chép lia chép lịa. Rồi kí ức về vài đề văn Cô cho về nhà, có lần viết một lá thư cho bản thân mình 10 năm sau. Lúc trả bài, đọc điểm, mình có nói là “Cô không được cho điểm giấc mơ” haha. Có lần khác, Cô cho cả lớp xem phim “Đèn lồng đỏ treo cao”, rồi cho đề phân tích bộ phim đó. Cũng có lần nghỉ Tết, Cô cũng cho đề về làm sau Tết nộp. Lúc đó được phép đánh máy rồi in ra nộp chứ không cần viết tay. Cuối bài mình có P/S Cô không nên cho bài tập về nhà dịp Tết vì đó là dịp để nghỉ ngơi, và mình cảm thấy mệt mỏi khi phải làm bài tập Tết. Lúc trả bài, Cô chỉ đánh dấu ghi nhận là đã xem và no comment haha. Thời đó blog yahoo nở rộ, mình cũng có xem blog của cô, xem trạng thái cập nhật, bài post, và thấy sao cô viết thơ hay quá, tản mạn hay quá. Giờ nghĩ lại hồi xưa bay bổng muốn chết. Đến cuối cấp 3, thi tốt nghiệp môn văn ở hội đồng trường Hùng Vương trên đường Hồng Bàng, quận 5. Đề mình chọn làm là phân tích đoạn thơ bài Sóng của Xuân Quỳnh. Cái đoạn thơ có chút éc mà phải nặn óc suy nghĩ, liên tưởng, đưa ví dụ dẫn chứng tùm lum thứ để cho bài viết được dài và sinh động. Mình tự hỏi, không biết lúc tác giả sáng tác có ẩn dụ ví von sinh động như khi đám học trò tưởng tượng ra mà phân tích không nữa. Mình có dẫn chứng một câu thơ được dạy hồi cấp 2: “Nếu là con chim, là chiếc lá. Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Lẽ nào vay mà không trả. Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Không hiểu sao bài thơ này lại đi sâu vào trí nhớ của mình ghê. Lúc công bố điểm tốt nghiệp, chỉ có duy nhất hai đứa được 9 điểm là bạn chuyên văn và mình. Tụi bạn nó cũng trầm trồ tại sao, mình cũng không khỏi thắc mắc tại sao một đứa vướng quá nhiều vấn đề trong chuyện học văn lại được như vậy. Mình chỉ nói chắc do tâm trạng giám khảo vui lúc chấm bài mình haha.

Thời Đại học Y Dược,

Thật chả liên quan gì đến chuyện viết văn. Mình cũng chẳng mảy may để tâm gì đến chuyện viết cả. Ngoài chuyện viết luận, mình thỉnh thoảng viết note, status sến súa trên facebook, viết caption cho hình du lịch, viết thông báo trong group lớp. Vỏn vẻn có vậy. Cho đến 2015, mình có cơ hội tham gia buổi workshop “Ngồi Xuống Viết Chơi” ở Toa Tàu. Dịp này là một bước ngoặt trong nhận thức của mình về việc viết. Mình định nghĩa việc viết ở một khái niệm và cảm xúc hoàn toàn khác hẳn. Lần đầu tiên, mình cảm thấy được sự kết nối rõ ràng và thể hiện những tầng cảm xúc sâu nhất, bằng chuyện viết. Mình viết vì mình, vì những cảm xúc mộc mạc, chân thành, không tô vẽ, không hào nhoáng và chẳng ngại sai lầm. Mình cứ viết, không ngơi nghỉ và không dừng lại, mặc kệ tất cả. Lần đầu tiên mình trải nghiệm được cảm giác việc viết như một liệu pháp tâm lý giúp khơi gợi và chữa lành. Cuối buổi, mọi người ngồi lại vòng tròn và chia sẻ nhau nghe bài viết của mình. Chị giáo cảm ơn vì mình đã dám chân thật với cảm xúc của mình. Rồi chị ôm mình một cái thật chặt. Cái ôm đó, mình nhớ thật sâu. Buổi workshop hôm ấy đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của mình về chuyện viết. Ý nghĩa thật sự của chuyên viết, chính là nằm sâu bên trong mỗi người, khi mình can đảm, dám chân thật và không cần phô trương. Và người đứng lớp hôm ấy là chị Phiên Nghiên mà mình vẫn còn theo dõi đến tận bây giờ :D.

Khi mình sang Nhật học,

Từ đầu năm nay mình hình thành thói quen viết journal mỗi ngày. Lần đó mình được motivate khá nhiều từ một bài post của anh Quý. Mỗi ngày mình cố gắng dành ít nhất 10 phút mỗi sáng để viết bất kỳ điều gì mình suy nghĩ và ghi nhận lại vài thứ trong ngày hôm qua. Đây là một hoạt động tốt để thực hành ba khía cạnh self-acceptance, self-reflection và self-compassion. Điều này mình được củng cố từ anh Vũ. Từ khi chủ động và có ý thức tốt hơn, kéo theo chuyện nhận thức rõ hơn mọi thông tin input từ môi trường bên ngoài, mình lựa chọn mọi thứ có chọn lọc hơn. Về chuyện viết, mình theo dõi ở page Viết Để Tự Do, Nối Một Cây Cầu của chị Phiên Nghiên. Chị có một group thực hành viết mình thấy rất bổ ích. Mình dần quen với chuyện viết và biến nó trở thành một phần không thể thiếu mỗi ngày. Rồi mình lập blog này, để diễn đạt suy nghĩ tốt hơn, tư duy mạch lạc hơn, sắp xếp mọi thứ ngăn nắp và có tổ chức hơn. Mình tin rằng, hành trình này chỉ mới bắt đầu, khi mình có nhìn nhận tốt hơn về bản chất của chuyện viết.

Còn bạn thì sao?

CUONG TRAN

Tokyo, 19.06.2020

Posted by

Chào bạn, mình là Cường. Đây là nơi mình tự do lưu giữ vài hành trình trong cuộc sống. Hy vọng bạn cùng chia sẻ, và tìm được cái gì hay ho, bạn nha.

7 thoughts on “Hành trình về chuyện “viết”

  1. T cũng bắt đầu viết lại. 5 năm rồi ko viết cũng ko vẽ. Vì cảm nhiều quá đâm ra ko tốt khi t làm nghề này. Mới viết lại hồi tháng 5.

    1. Viết cũng là cách để nhìn nhận mọi thứ rõ ràng hơn. Nhìn rõ hơn rồi thì cũng có sự vững vàng hơn đó mày à :)).

  2. Pingback: Nhìn lại 20-20

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *