Mình từng đề cập về mô hình Pilot – Plane – Engineer trước đây. Trong đó, Pilot giống như sự định vị hướng đi của những suy nghĩ, quyết định, hành động trong ngày. Đây là yếu tố nền tảng quan trọng quyết định phần lớn tính chất cuộc sống qua những công việc hàng ngày.
1. Ngôi sao Bắc Đẩu (North Star)
Giống như việc thiết lập hành trình, quỹ đạo cho máy bay, mình cần biết sẽ đi về hướng nào trước hết. Thử dừng lại, và hỏi một vài câu hơi nặng đầu chút xíu:
- Mình đang làm gì vậy?
- Tại sao mình đang làm những điều đang làm?
- Tại sao mình cần phải productive?
- Ý nghĩa của những điều này là gì?
- Nếu đạt được những điều muốn làm rồi thì sao nữa?
- Mình thật sự quan trọng giá trị sống nào?
- Những điều đang làm mỗi ngày có hướng tới những giá trị đó không?
Cứ tự đặt ra vài câu hỏi như vậy trước đã, còn câu trả lời có hay không cũng không quan trọng lắm. Đảm bảo rằng mình không chỉ vô thức hoàn thành hết việc này đến việc khác, mà cần lùi lại một bước để hiểu rõ động cơ, con đường lớn hơn bao trùm lên tất cả những hoạt động, quyết định hàng ngày. Trong cuốn Man’s Search for Meaning của Viktor E. Frankl về những biến chuyển tâm lí của tù nhân trong trại tập trung của Đức Quốc Xã có đoạn: A lot of meaning comes from having responsibility or having responsibilities towards something that’s greater than ourselves. Mình cần suy nghĩ về những việc đang làm có nằm trong mối tương quan với một tầm nhìn xa và rộng hơn không. “Xa” và “rộng” ở đây không mang ý nghĩa một thành công hay điều gì to tát, mà là điều phù hợp với giá trị sống hướng đến. Ví dụ một người có giá trị gia đình sẽ cảm thấy ý nghĩa khi nuôi nấng con cái. Hay một người có giá trị bình an sẽ hướng tới những điều mang tính vun đắp, xây dựng niềm vui và hạnh phúc. Đây chính là vai trò lớn nhất của Pilot.
Một trong những mindset quan trọng giúp giải phóng mình ra khỏi sự căng thẳng, cầu toàn chính là “ngôi sao Bắc Đẩu”. Câu chuyện này mình đọc được lần đầu tiên trong cuốn Being Peace (Muốn An Được An) của Thầy Thích Nhất Hạnh.
Nếu lạc đường tôi phải đi tìm sao Bắc Đẩu. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi phải đến được sao Bắc Đẩu. Chỉ là tôi đang đi về hướng ấy.
Ngôi sao Bắc Đẩu chính là giá trị sống, là la bàn giúp định hướng cuộc sống. Nó giúp mình có hướng đi, động lực, được nuôi dưỡng từ bên trong, để suy nghĩ cân nhắc mỗi ngày. Mindset này rất quan trọng giúp mình liên tục định hướng lại cuộc sống theo những giá trị mình trân trọng. Mình chỉ cần biết là mình có đang đi về hướng đó hay không, mà bớt đi gánh nặng của việc cần phải đến được ngôi sao Bắc Đẩu. Mình chỉ dần trở thành con người đó chứ không biến mình thành mục tiêu. Đơn giản là, mình chỉ cần đi về hướng đó, là đủ.
2. Habits
Có thể bạn từng nghe nhiều đến việc cần phải lập mục tiêu 1-2 năm, kế hoạch 5 năm, 10 năm chẳng hạn. Rồi mục tiêu cần phải theo tiêu chí SMART, nghĩa là Specific, Measurable, Achievable, Realistic and Timely. Mình cũng đã từng quan trọng những chuyện như vậy cho đến khi…thấy nó không còn quan trọng lắm nữa haha.
- Đạt được rồi thì sao nữa?
- Mình có thật sự vui hơn, hạnh phúc hơn không?
Lại tiếp tục là những câu hỏi.
Khi có mục tiêu, mình sẽ dễ phụ thuộc quá nhiều vào đích đến và ít tập trung hơn vào hành trình. Theo khoa học não bộ, khi đạt được điều gì đó thì nó như là a momentary burst of dopamine trong khoảng thời gian rất ngắn, bạn sẽ nhanh chóng trải nghiệm một giai đoạn gọi là hedonic adaptation, xu hướng nhanh chóng thích nghi và mong muốn những cột mốc cao hơn nữa. Mình không phủ nhận chuyện cần có những kế hoạch. Mình vẫn có những điều muốn làm trong vài năm tới nữa. Nhưng cái mình cảm thấy quan trọng hơn những mục tiêu kế hoạch, chính là thói quen.
Mình có nhắc đâu đó về việc thực hành thói quen và một số thói quen chủ chốt ở đây, và ở đây.
Một cách tiếp cận khác, nếu bạn là người đề cao tầm quan trọng của những kế hoạch. Đó là hãy tập trung vào sự tiến triển của vấn đề hơn là một kết quả cụ thể cần phải đạt được. Chỉ cần có sự cải thiện, tốt hơn dù chỉ một chút mỗi ngày, là đủ. Kết quả chỉ là vấn đề của thời gian mà thôi.
3. Areas of Focus & Projects
Area of Focus: là một khía cạnh lớn bao gồm nhiều Projects khác nhau trong cùng một hệ giá trị, không xác định thời hạn cần hoàn thành.
Projects: bao gồm nhiều mục tiêu nhỏ có hành động cụ thể, cần hoàn thành trong một thời gian nhất định.
Ví dụ: nếu nghĩ cần phải nâng cao sức khoẻ thì đây là Area chứ không phải Project vì “nâng cao sức khoẻ” bao gồm rất nhiều hành động nhỏ khác nhau.
Một Area of Focus sẽ bao gồm nhiều Projects khác nhau. Mỗi Projects sẽ chứa nhiều Tasks nhỏ hơn cần hoàn thành.
Sự phân loại rõ ràng như vầy tuy ban đầu cảm thấy khá phiền phức, nhưng mình nhận thấy rằng khi hay đổ thừa lí do là không có thời gian để làm việc gì đó, vấn đề thực ra là sự thiếu rõ ràng trong việc xác định hành động cần phải làm tiếp theo là gì. Sự thiếu rõ ràng trong suy nghĩ dẫn đến nhiều mental friction, dễ đưa đến sự trì hoãn hơn.
4. Tasks
Mình để ý bệnh nhân Nhật hay lưu lại lịch hẹn, ghi chú vào sổ tay, có người còn in cả lịch làm việc đem theo, còn đa phần sẽ lưu vào phần mềm trong điện thoại. Một lần khác, mình còn thấy bệnh nhân tái khám ghi lại tất cả những thắc mắc trong reminder trên điện thoại, rồi lần lượt trao đổi với bác sĩ từng vấn đề liên quan tình trạng bệnh.
Khi cần phải nhớ để làm một việc gì đó, bộ não sẽ lưu tạm thời vào trí nhớ làm việc (working memory) là một vùng nằm ở vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex). Một cách dễ hình dung, nếu RAM là bộ lưu trữ tạm thời của CPU thì trí nhớ làm việc giống như bộ nhớ tạm thời của não bộ. Trí nhớ làm việc còn được gọi là trí nhớ ngắn hạn, là một bước đệm cần thiết cho giai đoạn ghi nhớ tiếp theo ở vùng trí nhớ dài hạn. Tuy nhiên, trí nhớ làm việc là vùng não bộ có giới hạn. Nghiên cứu của Cowan năm 2010 cho thấy giới hạn của trí nhớ làm việc chỉ từ 3-5 “chỗ trống” ở người trưởng thành. Điều này có nghĩa rằng ta không thể ghi nhớ tất cả mọi thứ bằng việc ghi nhớ ngắn hạn đơn thuần. Những thông tin lữu trữ trong giai đoạn đầu ở vùng này giống như những tờ ghi chú rất rời rạc, không bền vững, không tồn tại được lâu. Nếu không có các phương pháp tiếp theo để chuyển thông tin này ra một hệ thống lưu trữ bên ngoài (như ghi chú vào giấy, điện thoại,…) hoặc chuyển vào vùng lưu trữ dài hạn (bằng việc ôn luyện) thì những thông tin rất dễ biến mất và rơi vào quên lãng.
Một cách đơn giản dễ hiểu, khi cần nhớ làm một việc gì đó trong ngày thì cần chuyển những điều cần làm đó ra một hệ thống lưu trữ bên ngoài (giấy ghi chú, sổ tay, điện thoại,…). Về phần này, mình quan sát thấy người Nhật rất kĩ tính trong việc ghi chú tất cả mọi thứ một cách siêu tỉ mỉ luôn.
Khi đã lưu trữ các task cần làm thì cũng cần xác định cụ thể hành động, thời gian khi nào sẽ thực hiện. Ví dụ task cần làm là chạy bộ, thì cần xác định rõ hơn thành: chạy bộ ở công viên gần nhà vào tối Chủ Nhật từ 20h-21h. Đây là điều giúp mình đảm bảo tránh khỏi một danh sách dài những việc muốn làm mà không xác định rõ cần phải làm gì, khi nào để thực hiện nó. Trước đây mình sử dụng Reminder có sẵn trong iOS. Hiện tại thì chuyển sang Todoist, có chức năng sync vào calendar. Không quan trọng là bạn cần sử dụng app nào, quan trọng là sử dụng tốt nhất những gì có sẵn. Mình từng viết về cách sắp xếp thời gian trong calendar ở đây.
Tuy nhiên, lịch trình có thể linh hoạt thay đổi không cứng nhắc. Việc có một hình dung rõ ràng về kế hoạch trong ngày trước giúp mình chủ động hoàn thành công việc, tránh được mental fatigue.
Tóm lại, lùi lại một bước để có cái nhìn bao quát hơn thì nó như hình trên. Đây chỉ là những chia sẻ cá nhân mình đúc kết được và vẫn còn đang hoàn thiện nó. Chắc chắn sẽ đối mặt với rất nhiều điều mông lung mơ hồ, cần phải liên tục thay đổi và điều chỉnh, nhưng khi đã có hướng đi rõ hơn một chút thì cho dù xung quanh còn nhiều sương mù, thì đơn giản là mình chỉ cần đi về hướng đó, là đủ.
Ocha – Tokyo, 24.05.2021
Photo by JOHN TOWNER on Unsplash
MỘT SỐ BÀI VIẾT KHÁC:
Ứng dụng tâm lý học màu sắc vào học tập và làm việc
Mình đã tối ưu hóa thời gian như thế nào
Quản lý email với phương pháp Inbox Zero
Dọn dẹp không gian cho máy tính
Cách mình ghi chép khi đi lâm sàng
3 thoughts on “The Pilot”