Những thực hành tâm linh trong Phật Giáo đã xuất hiện hơn 2500 năm trước. Mình bắt đầu tiếp cận với những chủ đề này từ những cuốn sách của bác Nguyên Phong như Hành Trình Về Phương Đông, Muôn Kiếp Nhân Sinh. Dần dần cùng với sự thực hành thiền và đưa chánh niệm (mindfulness) vào cuộc sống, dù mới chập chững ở những bước đầu, mình thấy có vài điểm giao nhau giữa những thực hành Phật Giáo và tâm lí học tích cực (positive psychology). Khi khoa học thần kinh phát triển trong gần vài chục năm trở lại đây với những thiết bị hiện đại, khoa học dần chứng minh được lợi ích của những phương pháp thực hành này đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Những minh triết về nhận thức của phương Đông và những phương pháp kĩ thuật từ phương Tây giao thoa nhau, hỗ trợ nhau và được ứng dụng rất nhiều trong các lĩnh vực đời sống khác nhau. Ví dụ như Google có khóa đào tạo Search Inside Yourself kết hợp 4 khía cạnh chính là Emotional Intelligence, Leadership, Mindfulness, Neuroscience.
Qua quan sát từ chính bản thân và người xung quanh, mình nhận thấy trước một vấn đề xảy ra, mình luôn phản ứng theo một xu hướng cố định nào đó gọi là autopilot. Chế độ tự động này dựa trên nhiều mô thức suy nghĩ cố định, và rất khó để thay đổi. Những thói quen suy nghĩ này có thể rất cứng nhắc và trở thành một cái bẫy tâm trí, dẫn tới những hành động lặp đi lặp lại đưa đến nhiều hậu quả. Trong liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy – CBT), có một mô hình ABC theo quan điểm của Albert Ellis, trong đó:
- A: Activating events – những sự kiện tác động.
- B: Beliefs – những niềm tin của bản thân, những gì bạn tự nói với chính mình.
- C: Consequences – những cảm xúc, hành động, phản ứng của cơ thể.
Theo đó, không phải những sự kiện xảy ra bên ngoài tác động tạo ra cảm xúc và hành động, mà chính là cách ta suy nghĩ, những niềm tin và tiếng nói bên trong mới ảnh hưởng đến cảm xúc, hành động và phản ứng ra bên ngoài. Những mô thức suy nghĩ sai lệch có thể đến từ những thói quen trong việc tự cho mình là nạn nhân, đổ lỗi người khác, trầm trọng hóa vấn đề, bi quan, cho rằng mình biết người khác đang nghĩ gì hoặc kì vọng người khác phải hiểu những gì mình đang nghĩ. Những lối mòn suy nghĩ này là một cách rút cạn năng lượng siêu nhanh, dẫn đến những cảm giác tội lỗi, chán nản, tức giận, muốn bỏ cuộc, mất động lực để giải quyết vấn đề.
Trong những câu chuyện Phật Giáo có câu chuyện về hai mũi tên. Câu chuyện này mình được nghe lần đầu tiên từ anh Vui Lên ở đây, và vài lần khác trong những clip của Thầy Minh Niệm. Những sự kiện bất lợi không thể tránh khỏi trong cuộc sống là mũi tên thứ nhất bắn vào chính mình. Mũi tên còn lại chính là cách phản ứng của bản thân với những nỗi đau xảy ra trong cuộc sống. Đây chính là cách suy nghĩ từ những hiểu biết và niềm tin giới hạn của bản thân trong chữ B của mô hình Albert Ellis. Trong một lúc, mình bị bắn và tự bắn 2 mũi tên đầy sức sát thương cao vào chính mình. Và nỗi đau càng trở nên đau đớn hơn vì những suy nghĩ và sự leo thang cảm xúc mãnh liệt.
Hiểu được điều này để làm gì? Mình nhận ra rằng mình không thể luôn luôn kiểm soát được những thứ xảy ra hàng ngày. Đó là một điều vô cùng tự nhiên trong cuộc sống. Cái mình có thể kiểm soát được chính là suy nghĩ của bản thân, để không tự bắn mũi tên thứ hai vào chính mình. Từ đó mình càng nhận ra rằng, kĩ năng thinking about thinking là một kĩ năng sinh tồn vô cùng quan trọng cần phải trang bị cho chính mình. Ban đầu tiếp xúc với khái niệm này, mình khá bỡ ngỡ và lạ lẫm. Chế độ autopilot trong cách hành xử dễ thúc đẩy hành động một cách lập tức mà thiếu sự suy xét kĩ càng. Khi biết cách dừng lại, mình có cơ hội tách bản thân ra khỏi vấn đề và những rối ren trong cảm xúc và suy nghĩ, từ đó suy nghĩ về những suy nghĩ, hạn chế những sai sót trong cách phản hồi, hoặc ít nhất không tạo hậu quả. Còn luyện tập cách dừng lại như thế nào là điều không hề dễ nhưng có thể làm được khi có sự chú tâm và kiên trì. Tuy có những lúc chưa làm được tốt, nhưng mình luôn cố gắng rèn luyện để ít nhất không tạo ra những hậu quả đáng tiếc. Điều này càng củng cố thêm nữa cho những sự thực tập nho nhỏ trong hành động mỗi ngày.
Hy vọng bạn có một khái niệm nho nhỏ về chuyện thinking about thinking để nhận ra và cùng thực tập để đừng bắn mũi tên thứ hai vào chính mình.
Odaiba, Tokyo – 23.07.2021
Photo by Possessed Photography on Unsplash
One thought on “Một sự giao thoa giữa tâm lý học tích cực và triết học Phật Giáo”