PhD ơi, mình đi đâu đấy?

Cách đây gần 2 tuần, mình vừa hoàn thành bảo vệ luận văn tốt nghiệp PhD. Đáng lẽ là sẽ thoải mái, nhẹ nhõm như trút được gánh nặng gần 4 năm qua, rồi tự thưởng cho bản thân các kiểu, nhưng mình hoàn toàn không cảm thấy vậy. Cái tối hôm đó sau khi kết thúc, mình thẫn thờ đi về nhà, ngồi trong quán ăn chỉ thấy mệt, đuối, không biết đang ăn gì. Và hơn cả tuần sau đó, mình vẫn mất cân bằng.

Mình dành thời gian để làm biếng, làm thinh, để tự đặt vô vàn câu hỏi và nghiệm lại một quãng đường cũng hơi dài vừa qua. Nhìn lại 4 năm vừa dài nhưng vừa nhanh, đến khi chắc chắn có được tấm bằng trong tay rồi, mình nhận ra điều làm bản thân vui và hạnh phúc nhất lại không nằm trong danh hiệu, bằng cấp. Trên con đường đó, mình nhận ra một “con đường” khác vô cùng quan trọng. Mình lờ mờ nhận ra những điều còn lớn và dài hơi hơn cả cái suy nghĩ hữu hạn này, mà trước giờ cái giá trị sống mang tên trải nghiệm đã kéo mình đi hết nơi này đến nơi khác. Tuy những giá trị hiện tại đã ít nhiều thay đổi nhưng khi nhìn lại những năm tuổi 20, mình vẫn thấy biết ơn và tự vỗ vai chính mình, mày đã làm tốt lắm. Vài ba va vấp, thăng trầm cũng khẽ nhắc nhở mình điều gì quý giá đáng giữ gìn, điều gì thiếu để thêm vào, điều gì dư cần gạn lại buông bỏ. Khoảng thời gian du học thiệt đáng giá khi cho mình một cơ hội to lớn để tách ra khỏi không gian vật lí lẫn tinh thần của lối sống trước kia. Cái cơ hội tuyệt vời nhưng cũng đáng sợ khi mà càng đi vào trong càng nhận ra nhiều điểm bất ổn, những điểm vỡ, những góc khuất, những định kiến và niềm tin sai lầm. May mắn thay, mình lại nhìn thấy chút ánh sáng, cái thứ ánh sáng mà tự mình thắp lên khi tự chỉnh đốn suy nghĩ, điều chỉnh cảm xúc, tinh giản tâm trí, sắp xếp nhận thức, và thiết lập lại mối quan hệ mới với những điều đã cũ. Và mình mơ hồ nhận ra đâu là sự cân bằng giữa những extremes, đâu là điểm giao thoa giữa những minh triết có phần trừu tượng và những phương pháp thực hành cụ thể và thực tế.

Bốn năm cũng cho mình rất nhiều cơ hội quan trọng để nhận diện và điều chỉnh sức khỏe tinh thần. Trong đó không biết bao lần mình muốn liên tục chết chìm trong sự vô định và mơ hồ. Cảm giác không có gì rõ ràng và chắc chắn xuất hiện liên tục với cường độ khá lớn khi sống ở một nơi không nói tiếng mẹ đẻ. Cảm giác cô lập trong tập thể, cảm giác sợ khi bắt đầu và duy trì một cuộc nói chuyện, cảm giác khi bước vào một đám đông với ngôn ngữ và văn hoá khác. Nỗi sợ hãi giao tiếp xã hội, sợ hãi đám đông, rối loạn lo âu luôn biểu hiện ở một cường độ nào đó. Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, cảm giác vô định, mơ hồ đẩy mình về việc dễ chấp nhận những nhu cầu nguyên sơ nhất. Như việc được khoẻ mạnh, được sống đã là một điều biết ơn lớn lao. Trong những tương tác với mối quan hệ xung quanh, mình thấy được tấm gương phản chiếu rất rõ con người mình. Kể cả những cảm xúc khó chịu, bực bội cũng nói rất nhiều và rất sâu về những những niềm tin và giá trị sống của bản thân. Mình nhận ra rằng kĩ năng làm chủ bản thân là điều mình từng thiếu nhất. Dù cho nhiều lần vẫn chưa thật sự kiểm soát tốt, nhưng mình đã dần có sự chấp nhận những thứ xung quanh và không cố tìm mọi cách chỉnh sửa mọi thứ nữa. Quay về luyện tập thể chất, tinh thần, tâm hồn chưa bao giờ là điều thừa thãi cả. Không biết kiềm chế một cơn cảm xúc thì cuộc đời có thể bước sang một trang mới, thậm chất là một sự chấm hết. Muốn có nội lực vững vàng thì cần làm chủ đời sống, có nhiều khả năng và kĩ năng để quản chế, điều chỉnh và bảo vệ chính mình.

Bốn năm cho mình một cơ hội để thiết lập lại đời sống và để cho “ánh sáng” dẫn đường. Thật ra chuyện mình bất ổn là ổn rồi, nên chuyện những người khác bất ổn cũng vẫn rất ổn. Để điều chỉnh được thì cần luyện tập cách nhận diện mà không phán xét trước đã. Khi quay vào bên trong, mình thấy con đường đi để hướng ra bên ngoài. Trên con đường đó, mình dừng lại việc chiến đấu với “bóng tối” mà đã biết cách tự mình thắp lên “ánh sáng”.

Cuong Tran

Ocha, Tokyo – 20.07.2021

Photo by Sandra Kaas on Unsplash

Posted by

Chào bạn, mình là Cường. Đây là nơi mình tự do lưu giữ vài hành trình trong cuộc sống. Hy vọng bạn cùng chia sẻ, và tìm được cái gì hay ho, bạn nha.

2 thoughts on “PhD ơi, mình đi đâu đấy?

  1. Dù là 4 năm vẫn thật khó để hoà nhập vào một nơi có ngôn ngữ và văn hoá khác mình anh ha. Em cũng là một người học ngôn ngữ, cũng lo lắng về hành trình sau này của mình ở đất nước khác sẽ gặp phải những khó khăn như anh. Mong anh vững vàng trên hành trình của mình. Em cũng cảm ơn chữ của anh nữa.

    1. Mỗi người sẽ có những hành trình với những khó khăn riêng. Cuối cùng mình vẫn phải tự kiếm con đường mà đi thôi hen. Mong em cũng sẽ vững vàng nha.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *