Trong một buổi đi điều trị bệnh, một bệnh nhân tái khám ghi lại tất cả những điều cần trao đổi với bác sĩ trong reminder trên điện thoại. Bệnh nhân lần lượt đọc từng câu hỏi, bác sĩ trả lời rồi cuộc trao đổi tiếp tục đến khi giải đáp hết các thắc mắc liên quan tình trạng bệnh. Đây là một câu chuyện nhỏ mình từng viết trước đây liên quan đến quá trình thu thập thông tin, tổng hợp, phân loại, lưu trữ, tìm kiếm và chia sẻ bằng một hệ thống có tổ chức, trật tự, và dễ truy xuất. Hệ thống đó còn được gọi là hệ quản trị cá nhân (từ này mình học được từ anh Quý), hoặc bộ não thứ hai (second brain).
Trong hệ thống đó, to-do list là một công cụ vô cùng quan trọng trong bộ ba to-do list, calendar và note-taking apps.
Trí nhớ làm việc (Working memory)
Trí nhớ làm việc là một lượng nhỏ thông tin có thể được lưu giữ trong tâm trí và được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ nhận thức (Working memory is the small amount of information that can be held in mind and used in the execution of cognitive tasks, Nelson Cowan 2014).
Khái niệm này mình đã viết trong bài The Pilot. Trí nhớ làm việc còn được gọi là trí nhớ ngắn hạn, giống như bộ RAM lưu trữ tạm thời các thông tin, nằm ở vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex). Đây là một bước đệm cần thiết cho giai đoạn ghi nhớ tiếp theo ở hồi hải mã (hippocampus) và cuối cùng là vùng trí nhớ dài hạn của vỏ não (neocortex).
Trí nhớ làm việc được sử dụng trong các hoạt động trí óc, chẳng hạn như hiểu ngôn ngữ (liên kết câu văn trước và sau để hiểu được một đoạn văn), giải quyết vấn đề (ghi nhớ các con số), và lập kế hoạch (lên thứ tự để đến nơi làm việc, ngân hàng, siêu thị,…).
Tuy nhiều cơ chế não bộ tác động đến việc lưu giữ thông tin của trí nhớ làm việc, một nghiên cứu của Nelson Cowan 2010 cho thấy giới hạn của trí nhớ làm việc là từ 3-5 “chỗ trống” ở người trưởng thành. Điều này có nghĩa rằng ta không thể ghi nhớ tất cả mọi thứ bằng việc ghi nhớ ngắn hạn đơn thuần. Những thông tin lữu trữ trong giai đoạn đầu ở vùng này giống như những tờ ghi chú rời rạc, không bền vững và rất dễ quên. Nếu không có các phương pháp tiếp theo để chuyển thông tin này ra một hệ thống lưu trữ bên ngoài (giấy, sổ tay, điện thoại,…) hoặc chuyển vào vùng lưu trữ dài hạn (ôn luyện) thì những thông tin này rất dễ biến mất và rơi vào quên lãng.
Hiệu ứng Zeigarnik
Khi những điều dang dở chưa hoàn thành cứ lởn vỡn trong đầu, tâm trí luôn chịu tác động bởi hiện tượng Zeigarnik. Bạn có thể đọc thêm chi tiết ở đây. Đây là hiện tượng được quan sát bởi nhà tâm lý học người Nga Bluma Zeigarnik trong một nhà hàng ở Vienna khi những người phục vụ bàn ghi nhớ các hóa đơn chưa thanh toán tốt hơn là sau khi đã được trả tiền.
Tương tự, khi trí nhớ làm việc có quá nhiều thứ chưa được chuyển sang hệ thống lưu trữ bên ngoài, tâm trí sẽ như một dòng thác cuồn cuộn ồn ào khiến bạn luôn mất tập trung và trở nên đa nhiệm. Mình đã từng đề cập ở bài Hiểu như thế nào về Productivity trong học tập và làm việc, sự đa nhiệm tiêu tốn rất nhiều năng lượng, và khó dẫn đến sự tập trung sâu vào vấn đề khi tâm trí nhảy qua nhảy lại giữa nhiều việc trong đầu.
Đưa các việc cần nhớ ra khỏi đầu vào hệ thống lưu trữ bên ngoài như reminder hay to-do list sẽ giải phóng không gian của vùng trí nhớ ngắn hạn, giúp bạn có không gian để thở, suy nghĩ tốt hơn, sáng tạo hơn và không quên việc cần làm đó. Tinh thần thoải mái hơn sẽ giúp sạc lại năng lượng, hạn chế căng thẳng lo lắng và cải thiện giấc ngủ. Đây cũng là lí do mình luôn tìm cách cải thiện “bộ não thứ hai” liên tục để hỗ trợ và giúp mình cân bằng cuộc sống tốt hơn.
Còn xây dựng hệ thống lưu trữ to-do list thế nào cho hiệu quả, mình sẽ để dành ở bài sau. Đấy, cái kết bỏ ngỏ không trọn vẹn, khơi gợi sự tò mò cũng là một ứng dụng của hiệu ứng Zeigarnik đấy :D.
Cuong Tran
Quảng Nam, 29.09.2021
Photo by Glenn Carstens-Peters on Unsplash
Một số bài viết liên quan:
Hiểu như thế nào về Productivity trong học tập & làm việc
Ứng dụng tâm lí học màu sắc vào học tập & làm việc
Quản lí Gmail với phương pháp Inbox Zero
Mình đã tối ưu hóa thời gian như thế nào?
Cách mình ghi chép khi đi lâm sàng