Cách mình ghi chép khi đi lâm sàng

Trong khoảng thời gian đi học PhD, ngoài việc cắm đầu trong sách vở, báo cáo, tìm tòi nghiên cứu, làm thí nghiệm, viết bài báo,…thì việc đi lâm sàng điều trị bệnh nhân là một cơ hội rất quý giá mà mình luôn trân trọng. Khi đối diện với nhiều áp lực trong công việc từ kiến thức kĩ năng chuyên môn, mối quan hệ giữa người với người (đồng nghiệp, bệnh nhân), các vấn đề phát sinh,…thì việc làm sao để ghi lại, lưu trữ và trau dồi từ những va chạm đó đối với mình còn quan trọng hơn hết. Khoảng thời gian đó mình có cơ hội thử-và-sai, điều chỉnh, cải thiện, thay đổi để dần dần có phương pháp ghi chép tốt hơn cho mình. Với hiểu biết và trải nghiệm nho nhỏ của bản thân, thì mình tin là phương pháp ghi chép tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích lâu dài, trước hết là cho chính bản thân người học.

1. Đường cong quên lãng

Đôi lúc mình cũng tự hỏi “Tại sao mình cần phải ghi chép?“. Câu trả lời đến từ việc bản thân mình là người có trí nhớ cá vàng. Mình không bao giờ tự tin rằng mình có thể nhớ hết tất cả mọi thứ. Những việc cần làm hay những kiến thức cần ghi nhớ nếu không được ghi chú lại sẽ rất dễ quên mất.

Có một khái niệm gọi là forgetting curve (đường cong quên lãng) được đưa ra vào những năm 1880 bởi nhà thần kinh học Herman Ebbinghaus, liên quan đến sự suy giảm khả năng ghi nhớ theo thời gian khi không chủ động một cách có ý thức để giữ lại chúng. Theo thời gian, lượng kiến thức được ghi nhận lại sẽ giảm đi đáng kể. Sau 1 ngày, khoảng 50% kiến thức học được sẽ bị lãng quên hết. Tuy nhiên với mình, quên là một phần rất quan trọng của quá trình học, giống như trong sách Tôi Tự Học có nhắc đến một câu là “Học thức là cái gì còn lại khi mình đã quên tất cả“. Làm thế nào để lưu trữ, củng cố ghi nhớ, và có thể truy xuất thông tin khi cần thiết là quan trọng hơn hết.

Vì vậy việc ghi chú, đặc biệt là phương pháp ghi chú, không những cần thiết mà còn quan trọng trong quá trình thu lượm kiến thức một cách hữu ích và bền vững.

2. Sổ tay ghi chép

Ghi chép là một kĩ năng phụ thuộc từng cá nhân. Tuy nhiên, theo mình bao gồm 3 bước cụ thể là:

  • Bước 1 (collect): ghi chú lại những cái gặp phải trên lâm sàng như quy trình, vấn đề, thắc mắc,…
  • Bước 2 (process & organize): xử lí, sắp xếp, hệ thống hóa ghi chú vào hệ quản trị cá nhân riêng tùy thuộc từng người.
  • Bước 3 (review): xem lại và củng cố thường xuyên những điều đã ghi chép.

Để ghi chép ở bước 1 khi đi lâm sàng, mình luôn đem theo 1 cuốn sổ tay kích thước cỡ A6 phù hợp để nhét túi áo blouse hay scrub. Ngoài ra, còn có vài cây viết khác màu để phân loại nội dung trong khi ghi chép.

Việc ghi chép bằng sổ tay mình cảm thấy rất thích vì nó giúp mình mindful hơn và chủ động hơn trong việc ghi chép. Tuy nhiên cũng không thể không thừa nhận một số hạn chế của việc ghi chép bằng giấy bút.

  • Khả năng lưu trữ và quản lí ngắn hạn. Có nhiều sổ ghi chép “vật lí” sẽ gây cồng kềnh, khó vận chuyển, có thể thất lạc theo thời gian. Cá nhân mình có nhiều cuốn ghi chép tay hiện giờ đã mất trong quá trình dọn nhà hoặc chuyển đi nơi khác sống.
  • Không tìm kiếm ghi chép được một cách nhanh chóng. Ví dụ khi mình gặp lại một vấn đề và muốn tìm lại xem nội dung đó đã gặp trước đây ở ghi chép nào, mình sẽ tốn nhiều thời gian để lục lại.
  • Khó lưu trữ hình ảnh cần thiết, như hình minh hoạ, biểu đồ, quy trình,…

3. Digital note-taking

Để khắc phục những hạn chế của việc ghi chép bằng giấy bút, mình chuyển tất cả ghi chép trên giấy vào phần mềm ghi chép trên máy tính. Đây là bước mình ghi lại các ghi chú một cách rõ ràng, dễ hiểu hơn vì nhiều lúc chỉ tóm gọn vắn tắt trên lâm sàng do áp lực thời gian. Bước thứ 2 này cũng là giai đoạn bổ sung, sắp xếp, hệ thống hóa ghi chép, và tìm hiểu mở rộng vấn đề đã gặp. Ghi chép bằng phần mềm có ưu điểm về mặt:

  • Lưu trữ dài hạn.
  • Truy cập bằng nhiều thiết bị khác nhau.
  • Có thể tìm kiếm dễ dàng bằng chức năng search.

Khi mình mới bắt đầu chuyển ghi chép vào laptop, mình sử dụng Microsoft Word để lưu lại như sau.

Sau một thời gian sử dụng và nhận ra những hạn chế của Word, mình chuyển sang phần mềm ghi chú khác chuyên dụng hơn. Việc phân loại, sắp xếp, hệ thống thông tin cũng trở nên gọn gàng và có liên kết giữa các vấn đề hơn.

Mình cũng phân loại màu sắc cụ thể, nhất quán hơn khi ghi chép. Cụ thể là:

  • Đỏ: những câu hỏi hoặc vấn đề cần được tìm hiểu, giải đáp.
  • Vàng: những điểm quan trọng cần lưu ý.
  • Xanh: dùng để phân loại các đề mục.

Với mỗi ghi chép, mình tạo ra sẵn 1 template để có bố cục hệ thống hơn về thông tin các bệnh đã điều trị và những điều mình đã làm. Quan trọng nhất là sau mỗi ngày, mình sẽ tự trả lời 3 câu hỏi:

  1. What went well? : đây là những việc mình đã làm tốt.
  2. What could have gone better? : đây là những lỗi mình mắc phải, và cần làm gì để cải thiện cho lần sau tốt hơn.
  3. What might I need to learn for better mastery? : đây là những kiến thức, kĩ năng mình cần phải tìm hiểu thêm để hiểu sâu hơn vấn đề đã gặp. Thường đây là những vấn đề rút ra từ mục ghi chú màu đỏ.

Những vấn đề cần tìm hiểu mình sẽ quản lí ở một mục riêng và liên kết vào các ghi chép có liên quan.

Tiếp theo là bước thứ 3 để xem lại và củng cố thường xuyên những điều đã ghi chép. Bước này mình làm vẫn chưa hiệu quả và cần sắp xếp thời gian thêm để cải thiện. Để củng cố và chuyển những ghi chép vào bộ nhớ dài hạn, mình sẽ tìm hiểu và áp dụng thêm một số phương pháp như Active Recall, Spaced RepetitionInterleaving. Mình sẽ chia sẻ thêm khi mình tự thấy có tiến bộ hơn nhé. Trước hết là củng cố, hoàn thiện việc ghi chép một cách hiệu quả đã :D.

CUONG TRAN

Ocha-Tokyo, 08.12.2020

Photo by ConvertKit on Unsplash

MỘT SỐ BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Mình đã tối ưu hóa thời gian như thế nào?

Ứng dụng tâm lí học màu sắc vào học tập & làm việc

Learning How To Learn & Mindshift

Posted by

Chào bạn, mình là Cường. Đây là nơi mình tự do lưu giữ vài hành trình trong cuộc sống. Hy vọng bạn cùng chia sẻ, và tìm được cái gì hay ho, bạn nha.

One thought on “Cách mình ghi chép khi đi lâm sàng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *