Tự học là một kĩ năng rất cần thiết và quan trọng trong cuộc sống của mình. Hai khóa học trên Coursera mình đã từng chia sẻ rất chi tiết trong bài Learning How To Learn & Mindshift nói về các phương pháp tự học dưới góc nhìn khoa học thần kinh, thay đổi hành vi và nhiều hướng dẫn thực hành ứng dụng rất cụ thể.
Tiếp nối sau khóa học từ phương Tây, mình tiếp tục đọc thêm cuốn Tôi Tự Học của Thu Giang – Nguyễn Duy Cần để mở rộng thêm góc nhìn với sự am hiểu sâu rộng về tư tưởng triết học phương Đông của tác giả.
Một ít về tác giả là Nguyễn Duy Cần (1907-1998), hiệu Thu Giang, là học giả nổi tiếng vào khoảng những năm 50, 60 của thế kỷ 20. Ông nổi bật không chỉ về số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở độ sâu học thuật và sức ảnh hưởng về mặt tư tưởng đến các tầng lớp thanh niên trí thức (theo Wikipedia).
Một cuốn sách hay, phải được thử thách bằng thời gian. Tôi tự học được xuất bản năm 1959. Dù trải qua nhiều thập kỷ nhưng nhiều giá trị và triết lí vẫn trường tồn vượt thời gian cho đến ngày nay. Dưới đây là một vài ghi chép và tổng hợp trong quá trình đọc sách của mình.
THỬ TÌM MỘT ĐỊNH NGHĨA
Học là để biết. Biết mà chưa thực hành được thì cũng không gọi là biết. Người có học thức thì phải có sự hợp nhất giữa tri thức và thực hành. Học mà không tiêu hóa, được ví von như con chiêng nhả cỏ (thay vì có bộ lông mướt), con tằm nhả dâu (thay vì nhả tơ).
Người có học thức không cần biết thật nhiều, chỉ cần biết rõ những gì đã biết.
Mục đích của sự học là để mưu cầu hạnh phúc, làm mình càng ngày càng mới, càng cao, càng rộng bằng cách mở rộng tâm hồn, thu nhận hiểu biết và kinh nghiệm kẻ khác làm thành của mình.
Một câu nói trong sách mình nghe từ cô giáo cấp 3 đến bây giờ mới biết nguồn gốc của nó: “Học thức là cái gì còn lại khi mình đã quên tất cả”. Quên là điều kiện cần thiết của cái nhớ. Học mà còn cố nhớ là chưa tiêu hoá, chưa nhập vào tâm. Người có học thức là người dường như không biết gì cả, mà không có cái gì là không biết.
Thiên tài là sự bền bỉ lâu dài của lòng nhẫn nại. Nhẫn nại là kiên nhẫn đi từng bước một, nhưng là từng bước chắc chắc. Bên cạnh đó, làm việc có trật tự, kỉ luật và phương pháp đúng sẽ giúp mình đi xa hơn trên con đường thành công.
Biết thì biết là mình biết. Không biết thì cũng biết rõ là mình không biết. Đó mới thực sự là người biết.
NHỮNG YẾU TỐ CHÍNH
Học về bề sâu và bề rộng.
- Học bề rộng: để có cái nhìn tổng quát toàn diện và đa chiều hơn, tránh thiên kiến trong nhận xét và phê bình. Phải có cái học bề rộng làm nền tảng cho cái học chuyên môn của mình. Tuy nhiên, cái học này tuy cái gì cũng biết nhưng không có cái gì chuyên môn cả.
- Học bề sâu: càng đi sâu vào một ngành học cụ thể càng cần thiết cái học tổng quát vì mối liên hệ của sự vật chằng chịt dính líu nhau. Cái học này có lợi để đem đến sự thấu hiểu sâu sắc về bản chất, tinh túy nhưng dễ biến con người thành bộ óc hẹp hòi, cực đoan.
Biết cách gây hứng thú cho việc học là điều kiện cần thiết cho sự cố gắng được bền bỉ.
Cần tổ chức sự hiểu biết để kéo mình ra khỏi cái nhìn thiển cận và nô lệ tâm hồn. Đầu óc suy nghĩ một chiều sẽ dẫn đến cực đoan, cuồng tín. Mình luôn tin một người trên đời không nên chỉ có một người Thầy duy nhất. Chính nhờ việc có rất nhiều Thầy mà không bị lệ thuộc ai cả, không có cái nhìn thiên kiến, để kiểm lại tư tưởng và thành kiến của mình với cặp mắt luôn luôn mới mẻ. Vì vậy, càng cần có óc phê bình để suy ngẫm, lựa chọn với đầu óc sáng suốt tự do.
Biết mình là cái học đầu tiên của người tri thức. Cái học cũng như con người, có thể theo chiều hướng ngoại (mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, sờ mó theo phương pháp khoa học), hoặc hướng nội (đời sống tình cảm, tư tưởng, tâm tư,…). Hiểu biết đời sống nội tâm dường như bị nhà khoa học xem thường và cho là chỉ dành cho nhà tâm lí, nghệ sĩ. Tuy nhiên, cái học về mình là cái học cần thiết nhất. Tất cả những cái học khác chỉ là dụng cụ để phục vụ nó. Biết người là trí, biết mình là sáng. Đây là mục đích quan trọng nhất. Vì, muốn trao tặng một món quà cho ai đó thì chính mình phải cầm nó trong tay cái đã.
Học để thành công trong con đường xử thế. Xuất phát từ cái học về bản thân là cái học quan trọng nhất, từ đó tìm hiểu một cách sâu sắc suy nghĩ hành động cảm xúc của người khác trong khi giao thiệp với họ. Nội dung này, mình thấy rất gần gũi và thống nhất với việc thực hành trí tuệ cảm xúc EQ.
Cần biết tuyển chọn trong khi học, nghĩa là có sự phê phán, quyết định và lọc lại sự cần thiết phù hợp, không đụng đâu học đó. Một điều mình dần nhận ra gần đây trong quá trình học là việc unlearning cũng quan trọng không kém việc learning. Vấn đề này mình đang tiếp tục suy nghĩ và thực hành.
NHỮNG ĐIỀU KIỆN THUẬN TIỆN CHO SỰ TỰ HỌC
- THỜI GIAN
Thiếu thời gian thì việc học chỉ có bề rộng kém bề sâu, chỉ có nước sơn bóng loáng bên ngoài mà thôi. Tưới cây từ từ mới thấm gốc rễ, trái mới chín, hoa mới trổ.
- TINH THẦN TẢN MÁC
Đây là nội dung nói về sự mất tập trung (procrastination). Điều này càng rõ ràng hơn trong xã hội hiện đại và tiện lợi ngày nay, với quá nhiều tác động từ việc tiêu thụ thông tin và nền kinh tế luôn tìm mọi cách thu hút sự chú ý của con người. Vì vậy, cần phải biết cách từ chối, can đảm chống lại những cám dỗ, cần giản dị hóa lối sống để đi sâu vào con đường học vấn. Mà hơn hết là nên có nếp sống của người ẩn dật. Mình khá tâm đắc nội dung này, vì gần đây mới xem một bộ phim tài liệu có tên Social Dilemma trên Netflix nói về sự tác động và thao túng của công nghệ hiện đại và mạng xã hội lên đời sống con người.
- ĐỜI SỐNG ĐƠN GIẢN
Cần xác định sự ưu tiên, cái gì phụ cái gì chính, phân biệt hình thức và nội dung, chất lượng và số lượng. Đời sống giản dị là biết chống lại sự tản mác tinh thần, không đồng hóa mình với ngoại vật. Vì vậy cần phải tinh giản lại con người mình, để không phụ thuộc vào những giá trị vật chất bên ngoài.
- SỰ TẬP TRUNG TINH THẦN
Sự tập trung tinh thần giúp tìm ra mối dây liên kết những sự việc, ý tưởng rời rạc. Cần chuyên tâm chú ý, hi sinh, lựa chọn cái gì quan trọng nhất để không bị sa đà vào những việc ngoài đề.
- ÓC TỔNG QUAN & ÓC NHÂN QUẢ & ÓC THÁN THƯỞNG
Óc tổng quan để chống tản mạn tinh thần sa vào những chuyện vụn vặt. Đây là kĩ năng để liên kết các sự vật rời rạc, là cái nhìn ý nghĩa thâm sâu của mọi việc.
Óc nhân quả giúp mình hiểu rõ nguyên nhân, chứng cứ và tìm tỏi giải thích các mâu thuẫn trong tư tưởng hành vi kẻ khác. Cần phải đặt nghi vấn trước mọi vấn đề mà mình tin tưởng đã hiểu hết rồi. Từ đó, sự hiểu biết mới trở nên vững vàng.
Óc thán thưởng là cách nhìn đời với cặp mắt trẻ thơ đầy sự ngạc nhiên. Sự quen thuộc thường làm cho ta không thấy được cái đẹp cái hay ở sự vật xung quanh hàng ngày. Cái khôn của óc thông minh là cảm thấy mình không hiểu biết gì cả. Thông minh mà cảm thấy không có gì là không biết là một bộ óc tê liệt, bệnh hoạn, không còn phát triển được nữa. Tự mãn trong sự hiểu biết là tự huỷ hoại con đường phát triển.
NHỮNG PHƯƠNG TIỆN CHÍNH YẾU
Đọc sách là phương tiện cần thiết và hiệu quả nhất. Sách giúp ta suy nghĩ, đỡ bớt sức để kiếm thêm điều khác chưa ra.
Một số phương pháp đọc sách:
- Đọc sách trong yên lặng và cô tịch, tránh bị xao nhãng.
- Đọc bảng mục lục để hệ thống trước.
- Chỉ đọc sách hay nhất.
- Uống nước tận nguồn, tìm chính văn mà đọc, đừng tìm tác phẩm được viết lại.
- Đọc đi đọc lại nhiều lần.
- Cần đọc sách cao hơn trình độ hiểu biết của mình.
- Dành sự thiện cảm, bớt thành kiến của bản thân để cố gắng thấu hiểu và thông cảm với tác giả.
- Ôn lại những hiểu biết sách đưa ra. Viết lại, tóm tắt những gì đã đọc, ghi lại cảm tưởng, phản bác, chắc lọc những gì nên giữ và bỏ.
HỌC NHỮNG GÌ
Trong phần này, tác giả đề cập đến chuyện học làm văn và học dịch văn.
Trong đó, phần mình quan tâm, dưới vai trò là một người thực hành y khoa thì học làm văn sẽ giúp ích gì cho mình? Tác giả đưa ra quan điểm chung về cách học làm văn là biết so sánh, dùng câu văn sáng sủa hàm súc. Biết dùng phương tiện nghệ thuật để diễn tả tình cảm tư tưởng. Để thực hành được cần thường xuyên viết, sắp đặt, trình bày.
Gần đây, mình đọc một bài viết khác có tựa đề “Môn văn giúp ích gì cho y học” trong sách Trò chuyện khoa học và giáo dục của Thầy Nguyễn Văn Tuấn. Trong đó, y học là khoa học, nhưng thực hành y học thì là một nghệ thuật. Người thầy thuốc có thể chữa bệnh nhân khỏi đau và đem lại hạnh phúc cho họ, và đó là một hình thức cung cấp dịch vụ mang tính nhân văn. Tính nhân văn còn thể hiện qua cử chỉ và truyền đạt thông tin. Do đó, có quan điểm cho rằng để trở thành một bác sĩ giỏi thì người đó phải trước hết là một nghệ sĩ tốt với đầy đủ kiến thức khoa học. Tuy nhiên, việc giỏi về kĩ thuật và văn phạm của một ngôn ngữ là điều kiện cần chứ chưa đủ để dẫn đến giỏi về khả năng truyền đạt thông tin. Trong khi đó, nhu cầu tiếng Anh trong y khoa có khi còn quan trọng hơn nhu cầu môn văn. Mình vừa đồng tình vừa không với quan điểm này. Mình nghĩ cần phải có sự phối hợp cả hai, giữa việc học làm văn (giúp mình thấu hiểu hơn về mối quan hệ con người) và học tiếng Anh (giúp mình có phương tiện đi xa hơn trên con đường chuyên môn).
BA YẾU TỐ CHÍNH ĐỂ XÂY DỰNG NỀN VĂN HOÁ VỮNG VÀNG
- ÓC KHOA HỌC
Đây chính là tư duy khoa học, dựa trên chứng minh luận cứ và thực nghiệm. Trong đó óc lí luận và óc thực nghiệm sẽ bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Hơn hết, việc chủ động tìm tòi sẽ cho mình sự linh động hơn là tiếp nhận thụ động kiến thức sẵn có.
- ÓC TRIẾT HỌC
Phần này mình rất đồng ý với tác giả cho đây là cái học căn bản của con người. Triết học với cái nhìn tổng quan giúp nhìn nhận và gắn kết mọi việc rời rạc của óc phân tích trong khoa học. Bất cứ sự học nào thiếu sự hậu thuẫn của triết học đều không vững chắc. Cần phải tìm hiểu ý nghĩa cuộc đời, giá trị sống của mình, sao là phải trái, đúng sai. Cũng như giao thiệp với ai cũng cần biết triết lí sống, tâm tư tình cảm của người đó. Điều này mình hoàn toàn đồng cảm 100% vì mình cũng đang trên con đường tự trả lời cho nhiều thắc mắc, câu hỏi lớn của cuộc sống về giá trị sống, đam mê và mục đích sống.
- BIẾT XÚC CẢM
Sự tĩnh mịch không bao giờ làm hèn yếu con người. Những người thích sống một mình thường có đời sống nội tâm thâm trầm và sâu sắc hơn kẻ thích hội họp bạn bè. Vì vậy, cần tạo cho mình sự tĩnh lặng để hiểu hơn về con người bên trong của chính mình. Hướng vào bên trong để nhìn nhận, thấu hiểu, để xúc cảm. Từ đó mới có thể hướng ra bên ngoài một cách vững vàng hơn.
MỘT VÀI NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC
- ĐI TỪ CÁI DỄ ĐẾN CÁI KHÓ, TIN VÀO SỰ THÀNH CÔNG
Đừng đặt mục tiêu cao quá. Nên làm cái dễ trước khi làm cái khó bằng cách chia thành từng việc nhỏ. Không có gì dễ dàng nhưng với sự phân bố và tổ chức hợp lí thì mọi việc dần trở nên dễ dàng.
- LÀM VIỆC ĐỀU ĐỀU KHÔNG ĐỂ BỊ GIÁN ĐOẠN
Học từng ít mỗi ngày, kiên nhẫn từng ngày cũng chính là một phương pháp để luyện tập ý chí. Phương pháp này chính là cách để giảm sức ì của bộ não và vượt qua sự trì hoãn trong hành động (the law of least effort và mini habits mình đã đề cập trong bài viết Meditation và Mindfulness dưới góc nhìn của thực hành thói quen.
- KHỞI ĐẦU BẰNG NHỮNG YẾU TỐ CĂN BẢN
Cần xây dựng nền tảng cơ bản vững chắc, đừng đốt giai đoạn.
- BIẾT LỰA CHỌN
Biết cân nhắc những việc hợp khả năng mình, và can đảm thực hiện cho được. Không nên tham lam kiêm nhiều việc.
- BIẾT QUÝ THỜI GIỜ LÀM VIỆC VÀ ĐẶT THÀNH KỈ LUẬT
Cần biết từ chối những việc tốn thời gian vô ích như hội họp, tán dóc, những hoạt động vô bổ phí tổn thời gian quý báu của ta. Cần nghiêm túc và cứng rắn gạt bỏ những mối quan hệ quấy phá. Trong phần này, mình không đồng tình với suy nghĩ của tác giả về sự hi sinh, chịu đựng của phụ nữ cho chồng.
- BIẾT DÙNG THỜI GIAN LÀM VIỆC & TIẾT KIỆM TỪNG PHÚT MỘT
Đem tất cả nghị lực vào việc làm mà không xao lãng.
- HOÀN TẤT VIỆC ĐANG LÀM
Cần có thái độ làm việc đàng hoàng dứt khoát, tránh làm cho có cẩu thả miễn cưỡng, đừng để qua ngày mai việc có thể làm ngay bây giờ.
- CÓ SỨC KHOẺ DỒI DÀO
Thân thể khỏe mạnh là điều kiện cho tính tình ôn hòa, tư tưởng vững vàng, tinh thần sáng suốt. Cần ăn uống đầy đủ, bổ dưỡng, nhẹ nhàng, vận động thân thể vừa phải, có giấc ngủ ngon, vui vẻ, sống trong môi trường có sự nuôi dưỡng của thiên nhiên.
Nhìn chung, đây là một cuốn sách hay củng cố cho mình thêm những triết lí về sự tự học để hoàn thiện hơn cái nền tảng vững chắc của con đường học thức. Chắc chắn mình sẽ phải đọc thêm vài cuốn nữa của bác Thu Giang – Nguyễn Duy Cần rồi. Happy learning!
Ocha-Tokyo, 29.09.2020