Totto-chan bên cửa sổ là một cuốn sách rất ngây ngô, dễ thương, và chứa đựng nhiều triết lí giáo dục sâu sắc về việc nuôi dạy trẻ nhỏ một cách tử tế.
Cuốn sách là câu chuyện có thật ở Tokyo vào thời chiến tranh thế giới thứ II sắp kết thúc, được viết bởi Tetsuko Kuroyanagi, cũng chính là nhân vật Totto-chan trong sách. Hiện nay Totto-chan đã 87 tuổi rồi nha hehe. Totto-chan là cách nhại lại theo kiểu phiên âm của Tetsuko-chan. Cụm từ “bên cửa sổ” nguyên gốc tiếng Nhật là 窓際族 (まどぎわぞく, mado giwa zoku), xuất nguồn từ thời điểm tháng 6/1977 khi tờ báo Hokkaido lần đầu sử dụng cụm từ “những bác già ngồi bên cửa sổ” (まどぎわおじさん, mado giwa ojisan) để chỉ những người lao động trung niên, do tốc độ hiện đại hoá của sản xuất, họ không còn được giao nhiều việc để làm, hàng ngày chỉ ngồi đọc báo hoặc nhìn ra cửa sổ để giết thời gian. Cụm từ này khá thịnh hành trong thời điểm đó, gợi một cảm giác như thể bị ghẻ lạnh, không còn quan trọng nữa. Giống như chi tiết Totto-chan ngồi cạnh cửa sổ để chờ những người hát rong, hay bị xa lánh ở ngôi trường đầu tiên.
1. TRUY TÌM VẾT TÍCH TRƯỜNG TOMOE
Qua lời kể lại của bà Tetsuko về trường Tomoe và các nhân vật ở cuối sách, mình đã có một hành trình tìm hiểu thú vị đến các địa điểm được nhắc đến vào một ngày mùa hè tháng 8/2020 ở Tokyo. Những chi tiết trong sách, những điều mình trải nghiệm và tìm hiểu thêm phần nào làm câu chuyện về Totto-chan trong mình thêm sâu sắc và sống động hơn bao giờ hết :D.
Ga Jiyugaoka và Kuhonbutsu nằm trên tuyến Oimachi (màu cam). Hai ga này kế tiếp nhau.
Tuyến tàu Oimachi đến ga Jiyugaoka mà Totto-chan đi học mỗi ngày. Có những đoạn hai bên đường tàu còn nhiều dãy nhà rất cũ và cổ xưa, cảm giác làng quê rất yên bình.
Ga Jiyugaoka hiện nay khá lớn với nhiều cửa hàng bên trong và ngoài ga. Ga này là nơi giao nhau của tuyến Oimachi và tuyến Toyoko cũng được nhắc đến trong sách. Còn ga Kuhonbutsu nằm trên tuyến Oimachi nên rất nhỏ và kiểu local địa phương lắm. Từ ga Kuhonbutsu đi vào ngôi chùa Kuhonbutsu được nhắc đến ở phần sau khoảng vài trăm mét.
Trường Tomoe khi xưa cách ga Jiyugaoka chừng ba phút đi bộ. Ngày nay, chỗ đó đã trở thành siêu thị Peacock và bãi đỗ xe của siêu thị. Mình đi qua lại một hồi tìm xem vết tích còn lại của trường Tomoe thì phát hiện một bảng tưởng niệm ngay trước siêu thị. Chi tiết này trong lời tự sự của tác giả cuối sách không có đề cập đến, nên mình rất bất ngờ như tìm được điều gì thú vị lắm vậy á :D. Trên tấm bảng, có dòng chữ tiêu đề tiếng Pháp, chắc để tưởng nhớ cho công ơn của Thầy hiệu trưởng Kobayashi đem những triết lí giáo dục từ phương Tây về trường Tomoe.
Nội dung trên bảng tưởng niệm, mình dịch thoáng ra như sau:
“Nơi cập bến” của tự do và sáng tạo.
Năm 1928 (năm Showa thứ 3), Tezuka Kishi thành lập trường tiểu học và mẫu giáo ở trên ngọn đồi này, và đặt tên là trường Jiyugaoka (Đồi Tự Do). Theo đó, tên nhà ga và những khu vực khác xung quanh cũng được đặt theo tên trường. Từ thời đại Taisho đến Showa, Tezuka đã áp dụng phương pháp “giáo dục tự do” (自由教育) với mong muốn đem đến sự đổi mới, nhưng ông đã ra đi vào mùa thu năm 1936 với ước mơ dở dang ấy.
Năm 1937, Kobayashi Sosaku (tên thật là Kaneko) đã tiếp quản trường Tomoe và thực hiện phương pháp “giáo dục sáng tạo theo nhịp điệu” (リトミックによる創造教育). Năm 1945, ngôi trường đã bị thiêu rụi trong chiến tranh thế giới thứ II, nhưng sau đó trường mẫu giáo đã được khôi phục lại và tiếp tục hoạt động đến khi Kobayashi qua đời vào năm 1963.
Chúng tôi, những người được học tập và dưỡng dục ở đây, xây dựng tượng đài này với lòng thành kính và biết ơn các Thầy Cô, với mong muốn rằng nền giáo dục nơi đây sẽ tiếp tục tồn tại theo thời gian.
Tháng 4.1988
Trường Tiểu Học Jiyugaoka
Trường Tiểu Học Tomoe
Cựu học sinh và những người liên quan
Từ chỗ siêu thị Peacock, mình đi bộ qua ngôi chùa Kuhonbutsu gần đó khoảng 10 phút. Nếu đi từ ga Kuhonbutsu thì chỉ tốn khoảng 3 phút. Chùa này còn gọi là chùa Joshinji, được xây dựng lần đầu vào năm 1678. Chùa rất rộng, bình yên và tĩnh lặng. Bên trong phủ xanh um rất nhiều cây cổ thụ, nghe nói một trong những cây cổ thụ già nhất ở Tokyo hơn 700 năm tuổi. Có một đoàn các em nhỏ được Cô dẫn đi tham quan, làm mình liên tưởng tới những cuộc đi chơi của Totto-chan trong sách đến Kuhonbutsu. Mình đứng lại chờ các em đi qua, có một em nhỏ đi cuối hàng, nhìn mình rồi hồn nhiên chào buổi sáng bằng một câu tiếng Nhật. Mình cười rồi vẫy tay chào lại, cưng thiệt là cưng.
2. NHỮNG ĐIỀU HAY HO Ở TOMOE
Totto-chan chứa đựng nhiều bài học hay và giá trị, như đãi vàng để tìm cục nào ưng ý nhất thôi chứ không phải đãi cát tìm vàng nữa. Với mình, thì có những điều đáng lưu giữ lại như sau:
Bài học về sự kiên nhẫn, lắng nghe. “Totto-chan cảm thấy như lần đầu tiên trong đời gặp được một người mình thực sự yêu quý. Thì bởi vì từ hồi sinh ra đến giờ, đã có ai ngồi nghe Totto-chan kể chuyện lâu như thế đâu. Suốt cả thời gian ấy, thầy không ngáp một lần nào, không hề chán nản, mà thầy còn nghe rất say sưa, thỉnh thoảng lại còn nhổm người lên giống Totto-chan hay làm lúc kể chuyện nữa“. “Khi ở bên thầy hiệu trưởng Totto-chan thấy rất an tâm, ấm áp và dễ chịu“. “Mình có thể ở với thầy suốt đời“. Thầy Kobayashi là người rất kiên nhẫn với những suy nghĩ ngô nghê, những lúc không cân bằng và trẻ con của Totto-chan. Không chỉ ở Thầy Kobayashi mà Mẹ của Totto-chan cũng là một người vô cùng kiên nhẫn khi không bao giờ bảo Totto-chan phải làm cái này cái nọ, nhưng khi Totto-chan nói “con muốn làm cái này“, mẹ sẽ bảo “được thôi” mà chẳng hỏi han gì nhiều. Lắng nghe để hiểu, để thương, và để chấp nhận với cả những điều có thể không đúng với thế giới quan và phong cách sống của mình bằng sự thoải mái, nhẹ nhàng.
Bài học về sự tin tưởng tuyệt đối. “Totto-chan, em thật là một cô bé ngoan“. Câu nói này đã quyết định cả cuộc đời Totto-chan sau này. “Có nhiều điểm mọi người nghĩ em còn chưa ngoan, nhưng tính cách “thật” của em không xấu, em có những điểm tốt và thầy hiệu trưởng biết rõ điều đó“. Hay khi Totto-chan múc tìm cái ví ở bể phốt, “Thầy hiệu trưởng không tỏ ra tức giận trước việc Totto-chan làm, thầy tin tưởng Totto-chan, coi Totto-chan như một người lớn“. Đối với Thầy Kobayashi, đứa trẻ nào sinh ra cũng có phẩm chất tốt. Cùng với sự trưởng thành, những phẩm chất đó bị phá hỏng bởi môi trường xung quanh và ảnh hưởng của người lớn. Vì vậy, phải sớm tìm ra “phẩm chất tốt” ở đứa trẻ, phát triển những phẩm chất đó, giúp đứa trẻ trở thành một người có cá tính.
Bài học về ước mơ, tự do và sáng tạo. “Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa”. Thầy còn rất sáng tạo khi đưa âm nhạc, thể dục nhịp điệu, học vào buổi sáng, học môn gì thì tuỳ, tương tác thiên nhiên,… vào trong những giờ học ở trường. Ước mơ của con trẻ không nên bị phê phán viễn vông, dán nhãn bởi định kiến của người lớn, và không nên có một sự định hướng sẵn nào mang tính rập khuôn cho mọi đứa trẻ. Và khi được là chính mình, có sự tự tin và vững vàng với giá trị bản thân, đứa trẻ sẽ lớn lên mà không cần phải luôn tìm kiếm sự công nhận từ người khác.
Bài học về sự chủ động. Chủ động trong lĩnh hội tri thức, sẽ giúp các em có cảm hứng với lớp học. Mình nghĩ, người giáo viên không còn là trung tâm lớp học nữa, mà chỉ nên là người điều phối, hướng dẫn, gợi mở (facilitator) để giúp định hướng, trao đổi và đưa ra các phương hướng học tập cho học sinh.
Bài học về sự hòa hợp với người khác. Đây là bài học mình thấy rất hay, khi Thầy không khuyến khích việc bố mẹ mặc đẹp cho trẻ khi tới lớp. Đó là sự bình đẳng về vẻ bề ngoài, không góp phần tạo ra sự phân biệt giữa học sinh về vật chất. Nhìn rộng ra hơn, đây còn là bài học về cách sống chung với những người xung quanh khác nhau về hoàn cảnh, tính cách, quan điểm sống mà không bị bó buộc trong tri kiến và thế giới quan của mình.
3. TOA TÀU – NƠI NGƯỜI LỚN ĐƯỢC LÀ TRẺ CON, VÀ TRẺ CON ĐƯỢC LÀ CHÍNH MÌNH
Năm 2016, mình có cơ hội tham gia vài lớp workshop ở Toa Tàu. Lúc này, mình chưa đọc truyện Totto-chan và cũng không biết gì về sự liên quan này.
Toa Tàu được thành lập bởi anh hoạ sĩ Đỗ Hữu Chí, lấy cảm hứng từ trường Tomoe trong Totto-chan. Là một nhà kho cũ được cải tạo lại ở chân cầu Sài Gòn, nơi đây là một không gian tự do, thoải mái, trải nghiệm, sáng tạo để kích hoạt niềm vui và khơi gợi cảm hứng. Toa Tàu dùng nghệ thuật như phương tiện để khám phá bản thân, sáng tạo kết nối mọi người và chữa lành đứa trẻ bên trong.
Đúng như tiêu chí “Nơi người lớn được là trẻ con và trẻ con được là chính mình”, đây là một nơi khá dễ thương để người lớn được thả lỏng, và trẻ con được là chính nó mà không bị yêu cầu, kì vọng hay áp đặt gì cả.
Workshop đầu tiên mình tham gia ở Toa Tàu là Ngồi Xuống Viết Chơi của chị Phiên Nghiên. Chỉ vọn vẹn 3 tiếng, nhưng đây là một cột mốc quan trọng mà mình đã có một sự chuyển biến lớn trong suy nghĩ về chuyện viết. Mình có viết về điều này trong bài Hành trình về chuyện “viết”. Mình định nghĩa việc viết ở một khái niệm và cảm xúc hoàn toàn khác hẳn. Lần đầu tiên, mình cảm thấy được sự kết nối rõ ràng và thể hiện những tầng cảm xúc sâu nhất, bằng chuyện viết. Mình viết vì mình, vì những cảm xúc mộc mạc, chân thành, không tô vẽ, không hào nhoáng và chẳng ngại sai lầm. Mình cứ viết, không ngơi nghỉ và không dừng lại, mặc kệ tất cả. Lần đầu tiên mình trải nghiệm được cảm giác việc viết như một liệu pháp tâm lý giúp khơi gợi và chữa lành. Đến bây giờ, mình càng có một cảm nhận rõ ràng hơn về chuyện viết còn là cách để chơi với đứa trẻ bên trong mình, là một hình thức meditation, là đơn thuần đặt bút xuống và viết ra bất kì điều gì hiện lên trong đầu. Nếu không biết viết gì, thì cũng viết xuống “Mình không thể nghĩ ra được điều gì để viết” cho đến khi có những suy nghĩ khác xuất hiện và tiếp tục. Từ đầu năm 2020 đến giờ, mình đã viết journal liên tục đến hôm nay là 246 ngày với rất nhiều sự kiện, suy nghĩ, cảm xúc khác nhau. Nhiều điều cũng hay ho lắm hehe.
Đây là buổi workshop Vẽ Thư Giãn của anh Chí, khi tụi mình được bày bừa với rất nhiều công cụ, chất liệu màu sắc khác nhau theo cách sáng tạo của riêng mình nhất.
Toa Tàu đã gắn kết trong mình một cách như vậy đấy. Tuy Toa Tàu không còn ở không gian vật lí đó, nhưng tinh thần và giá trị của những hành trình đó vẫn tiếp tục trong những hình hài khác, trong niềm vui và cái đẹp, hiểu và thương.
Sách Gieo là dự án trọn vẹn cuối cùng, là một cuốn sách mình rất thương của Toa Tàu, ghi chép và chia sẻ lại tất cả những gì đẹp nhất, vui nhất, tinh tuý nhất của tinh thần Tomoe. Để dù bạn muốn hồi tưởng, hay ngắm nhìn, hay bắt tay vào thực hiện hành trình của riêng mình, bạn đều tìm thấy những thứ bạn cần.
Những câu chuyện này,
rồi những chặng đường đã qua,
rồi những chuyện đến-và-đi,
rồi những bài học,
rồi những gì còn ở lại,
rồi những con đường sắp đến,
mình biết và tin rằng hạt giống của niềm vui, cái đẹp và sự bình an luôn được gieo trồng, tưới tẩm và nảy nở trong mỗi người,
nếu bạn đủ can đảm, và dám tin.
Ocha-Tokyo, 04.09.2020
Thanks to Avinash Kumar for photo on Unsplash.
Nhật Bản thật thanh bình và dễ thương.
Mong cũng có ngày mình sẽ được đi và khám phá miền đất này.
Cảm ơn tác giả.
Cảm ơn bạn đã đọc chữ của mình.
Nơi nào cũng sẽ có những góc nho nhỏ bình yên như vậy đó 😄