Lúc đi học trong phòng mổ, mình thường hay gặp Thầy giáo sư bộ môn gây mê & sinh lý học lâm sàng vào vài buổi trong tuần. Thầy tên là Fukayama. Lần đầu gặp Thầy là đợt sang Nhật tham gia chương trình trao đổi sinh viên 2 tuần vào năm 2013. Lúc đó, nhóm mình có dịp được Thầy hướng dẫn tham quan khu phòng mổ ở bộ môn mà mình chưa từng nghĩ sẽ theo học hiện tại. Rồi một lần khác lúc mình là sinh viên năm 5, trong lúc đang phụ nhổ răng thì thấy Thầy đi vào phòng mổ. Đợt đó Thầy sang Việt Nam, nhưng cũng không có dịp nói chuyện gì. Cho đến tận khi mình qua Nhật, mình lại có cơ hội gặp Thầy tiếp trong phòng mổ. Lần đó, nhớ về tấm hình chụp chung hồi 2013, mình in ra rồi bất ngờ tặng Thầy vào một hôm biết Thầy sẽ trực. Thầy bất ngờ lắm và cảm ơn mình, chắc là Thầy cũng không nhớ là có tồn tại tấm hình này nữa. Rồi một hôm khác ở khu điều trị ngoại trú, tình cờ đi ngang trên hành lang gặp Thầy. Mình chỉ kịp cúi chào, hai Thầy trò đi lướt qua nhau một đoạn, rồi mình nghe Thầy quay lại gọi. Thầy nói nếu có dịp hãy ghé lên phòng Thầy để xem tấm hình hôm trước Thầy đã đóng khung để trên bàn. Lúc đó, mình bất ngờ và vui lắm. Cuộc nói chuyện cũng ngắn ngủi rồi ai tiếp tục việc nấy. Thỉnh thoảng cũng gặp Thầy trong thang máy, mà toàn mặc đồ scrub, đeo ống nghe. Dáng Thầy cao, khuôn mặt phúc hậu, điềm tĩnh để lại khá nhiều cảm tình với mình.
Rồi một bữa khác cũng trong phòng mổ, mình đã học được một bài học lớn từ Thầy. Phòng mổ ở Nhật thường quy định vị trí các thiết bị và ê-kíp mổ (surgeon, assistant, scrub tech, anesthesiologist) khá chặt chẽ. Những lúc kiến tập, mình thường bắt một cái ghế đứng phía sau surgeon để có tầm nhìn tốt hơn. Công việc gây mê ngoài các bác sĩ gây mê cố định theo dõi điều chỉnh máy móc, thì Thầy Prof cũng thường đi qua lại giữa các phòng mổ để theo dõi tình hình chung. Hôm đó, mình đứng phía sau Thầy Prof bộ môn mình. Lúc Thầy Fukayama đi vô, theo phản ứng mình né ra nhường chỗ để Thầy kiểm tra bệnh nhân dễ hơn. Thầy phản ứng lại với khuôn mặt khá nghiêm nghị kêu mình không cần né ra, phải đứng đó quan sát rồi nói mình “You have to become a Prof”. Lúc đó mình ngượng dễ sợ, tiếp theo sau đó là một cuộc đối thoại ngắn về câu chuyện liên quan đến Thầy Prof cũ ở bộ môn mình tên là Omura. Lúc trước có một ông Thầy khác ở bộ môn sau khi tốt nghiệp xong qua Đức học tiếp. Và ông Prof bên Đức nói Thầy đó không cần qua đây, hãy về lại Nhật mà học Thầy Omura là đủ. Câu chuyện này chắc là một sự tự hào của Thầy Fukayama về bộ môn mình. Còn về mình, mình không phải thấy vui vì được tâng bốc gì cả, mà mình thấy thêm kính nể về cách mà Thầy Fukayama đã đối xử với mình. Cuộc nói chuyện cũng kết thúc nhanh chóng sau đó, trả lại bầu không khí chỉ còn tiếng bíp bíp của máy monitor và ê-kíp mổ đang chăm chú làm việc. Ở bên đây, mình thấy mọi người rất tập trung và không hề nói chuyện riêng trong suốt ca mổ. Khi ca mổ kết thúc, bệnh nhân đã hồi tỉnh, nguyên cả ê-kíp sẽ cùng bàn giao lại cho bạn nurse ở khu vực bên ngoài. Surgeon và nurse sẽ cùng nhau kiểm tra sinh hiệu bệnh nhân bằng ống nghe dây đôi, và sự thông thoáng của đường hô hấp. Sau khi bệnh nhân được đẩy qua khu bên kia về phía phòng hồi sức, cánh cửa đóng lại, cả ê-kíp sẽ cùng cúi chào nhau và nói Otsukaresamadeshita, nghĩa là cảm ơn nhau vì mọi người đã vất vả rồi. Và ca mổ kết thúc.
Một câu chuyện nhỏ về Thầy Fukayama để lại trong mình nhiều suy nghĩ về thế nào là một người Thầy thật sự. Trong cuộc đời, mình không chỉ nên có duy nhất 1 người Thầy. Ai cũng là một người Thầy, một kho tàng dạy cho mình điều gì đó, nếu mình đủ sức nhận ra được điều đó. “When the student is ready, the teacher will appear” nghĩa là như vậy. Sự học hỏi sẽ bắt nguồn từ sự quan sát, và mài dũa từ những điều trong chính bản thân mình trước đã. Khi mình đủ “lớn”, mình sẽ tự nhiên có cơ hội gặp được những người Thầy. Một người Thầy thật sự không chỉ cho mình knowledge mà còn tặng cho mình một điều quý báu hơn nhiều lắm. Đó chính là wisdom. Là động lực, là cách tư duy, suy nghĩ đúng đắn. Hiểu rõ hơn điều này, mình càng thấy rõ hơn việc không phải ai gọi là Thầy cũng là Thầy-thật-sự. Chắc chắn rằng trên đời này có rất nhiều người giỏi, nhưng những người Thầy tử tế, có tâm và tầm, như một người bạn cạnh mình, giúp mình mở mang thêm về thế giới quan ngoài học thuật, là điều khó. Và người Thầy dám chấp nhận và thoải mái với chuyện học trò sẽ giỏi hơn mình, và có thể sẽ rời xa mình vào một lúc nào đó là một kho tàng thật sự vô giá.
Nhưng mà, mình phải là một người học-trò-thật-sự trước đã nhen.
Tokyo, 01.07.2020
Become a professor nha Cuong.
Càng lên cao càng khiêm tốn m nhỉ. T cũng may mắn gặp thầy supervisor của t í. Cả đời này không quên.
Kể nghe thêm về sup của m nào hehe
Bạn vẫn chưa hiểu lắm cái hình ở đầu bài, chắc phải đọc lại lần nữa. :)))
Người Thầy như một kho báu đó bạn :))
Hình cái rương kho báu á bạn 😃
“tặng cho mình một điều quý báu hơn nhiều lắm” à, sao chỉ có 1 điều?
Mình học được một điều trước đã rồi dần dần học thêm nhiều điều khác nữa 😀