Lúc mình mới sang Nhật hồi tháng 10/2017 là một khoảng thời gian với nhiều sự lạ lẫm và bỡ ngỡ. Mình apply chương trình tự túc, dù may mắn được gia đình hỗ trợ vô điều kiện nhưng tâm lí lúc ấy lo nghĩ khá nhiều chuyện chi tiêu cho 4 năm PhD sắp tới. Lúc mới đặt chân tới Nhật là chỉ còn 1 tuần tới deadline apply miễn giảm học phí cho học kì đầu. Thế là cuống cuồng hỏi han, nhờ giúp đỡ, hỏi xin giáo sư thư giới thiệu. Cuối cùng cũng ổn. Rồi những nỗ lực học tiếng Nhật không ngừng thi lấy bằng để chờ cơ hội apply học bổng. Những ngày tháng chỉ sống với tiếng Nhật đó nghĩ lại thấy vui ghê, và cũng giúp mình tích góp được nho nhỏ vốn liếng ngôn ngữ khó học này. Trong những mối lo lắng về tài chính lúc ấy, chuyện kiếm được một công việc làm thêm cũng không nằm ngoài dự tính. Với vốn tiếng Nhật bập bẹ và không hiểu được phần lớn các cuộc giao tiếp hàng ngày làm mình thấy lạc lõng, bị cô lập và căng thẳng lắm.
Để được đi làm thêm hợp pháp ở Nhật thì du học sinh phải đăng kí tại Cục quản lí xuất nhập cảnh, và chỉ được phép làm tối đa 28 tiếng/tuần. Lần đầu tiên mình đi xin việc part-time ở Yamato, là một công ty chuyển phát nhanh phổ biến và lớn nhất Nhật Bản. Ở đây, có một số công việc không đòi hỏi trình độ tiếng Nhật cao như bốc dỡ và phân loại bưu phẩm. Thế là mình bắt đầu tìm hiểu cách viết CV xin việc bằng tiếng Nhật, rồi đi phỏng vấn ở văn phòng tại Ikebukuro. Nhưng lúc phỏng vấn người ta hỏi mình có làm việc overnight từ tối đến sáng hôm sau được không, mình quyết định không làm, vì sức khỏe bản thân vẫn quan trọng nhất. Rồi một lần khác, ở một cửa hàng Asian shop ở Kinshicho có tuyển nhân viên. Mình cũng có một chút phân vân nhưng cũng quyết định không hỏi thêm vì mỗi lần tới mua hàng mình quan sát thấy bà chủ người Thái Lan có thái độ không được tử tế lắm.
6 tháng sau (4/2018), mình được chị Vân Anh giới thiệu cho công việc làm thêm ở sân bay Narita. Đây là công việc khảo sát du lịch của công ty Survey Research Center (SRC), thực hiện các khảo sát về xu hướng tiêu dùng của khách nước ngoài đến du lịch tại Nhật Bản. Cơ bản là về các địa điểm đã ghé thăm, chi phí trong thời gian ở Nhật, mức độ hài lòng,… Công việc này các anh chị người Việt trước đây đã làm, và giới thiệu nhau đi làm. Thời gian làm từ 8h–17h nên mỗi hôm đi làm, mình phải dậy sớm lúc 5:30 để ra ga Ichikawamama đón chuyến tàu Keisei lúc 6:29 đến Narita airport lúc 7:38, ăn sáng vội rồi bắt đầu làm lúc 8h. Những hôm trời lạnh là cảm giác không muốn dứt ra khỏi cái chăn luôn haha. Có những khi mình xếp lịch làm 3 ngày liên tiếp nên về nhà chỉ muốn đi ngủ, khá là mệt. Một số lần khác mình cũng có cơ hội làm ở một số địa điểm khác như Odaiba, Kaihimmakuhari, Kawagoe, Yokohama. Dù chỉ gắn bó có 8 tháng nhưng mình thấy vui vì đây là công việc cho mình nhiều trải nghiệm, suy nghĩ, gom nhặt những câu chuyện mới.
Ngày đầu tiên đi làm (21.04.2018)
Ngày đầu tiên với rất nhiều bỡ ngỡ, lúng túng vì chưa rành việc, lại còn phải điền khảo sát bằng giấy chứ chưa được sử dụng ipad. Mình được chị Vân Anh với chị Linh hướng dẫn cho rất là tận tình. Hai chị rất là chăm đứa em ngây ngô mới vào nghề này hehe. Tổng cộng cả ngày mình chỉ lấy được 14 người. Cái khó nhất là tiếp xúc ban đầu được với khách. Có nhiều khách rất khó chịu ra mặt, nên nhiều lúc cũng cần chấp nhận cảm giác thất vọng một chút khi bị người ta từ chối trả lời. Đầu tiên làm chuyến bay Vietnam Airlines đi Hà Nội, HCM, Đà Nẵng rồi tới France, Russia, Italia. Ăn trưa được 1 tiếng rồi chiều làm chuyến bay Mỹ với Canada.
Nhiều nhiều những câu chuyện khác
- Người VN chủ yếu là đi xuất khẩu lao động ở Nhật nhiều. Đối tượng đi du lịch thường đi tour. Người Việt tiếng Anh thật sự không giỏi, cũng khó tiếp cận vì tâm lí đề phòng nên thường các chuyến bay Việt chỉ có 3 chị em làm thôi. Có người rất rất giàu, đi chơi thoải mái và họ cũng không ngại khoe khoản chi tiêu khủng của họ. Người VN đi tour thì tụi mình như trúng mánh vì lịch trình giống nhau, chỉ khác nhau chi phí mua sắm.
- Người già hay tâm sự nhiều điều. Có hôm mình gặp 1 cô đại tá dạy Hóa trong quân đội, bây giờ về hưu mới được đi du lịch chứ khi còn trẻ do chế độ quân đội nên không được đi. Một chú khác còn căn dặn mình ráng đi hết con đường đã chọn nữa.
- Người Pháp nhiều người không nói được tiếng Anh. Chuyến bay Pháp thường transit rất đông.
- Chuyến bay đi Moscow, người ta cũng ít nói tiếng Anh. Nhưng người Russia có khuôn mặt đẹp lắm.
- Người Ý có người nhận xét Nhật nhiều nơi như ở combini (convenient store) không nói được tiếng Anh trong khi ở Ý mặt bằng chung đều giao tiếp tiếng Anh được. Có một người Ý khác lúc mình hỏi làm khảo sát được không thì trả lời là “Why not?”. Xong còn hỏi mình có kiếm sống đủ bằng nghề này không. Khen nghề này rất hay.
- Người Mỹ vui vẻ, nhiệt tình nhất. Mình có gặp một gia đình gồm bà mẹ và 2 đứa con. Họ rất cởi mở kể về sự khác nhau giữa văn hoá Mỹ và Nhật (Japanese-style restroom with no soap, few public trash cans, no public drinking water). Có 1 cặp vợ chồng trung niên người Mỹ đi về Seattle, trả lời rất hào hứng, cười rất tươi, họ rất enjoy, nhất là Sumo. Chuyến bay đi Mỹ đa phần toàn kết hợp với Vietnam Airlines. Người VN định cư ở Mỹ rất nhiều.
- Những lần đi làm sau, mình dạn dĩ hơn, biết cách bắt chuyện bớt ngại ngùng hơn. Kinh nghiệm dần là thấy người nào cầm nhiều túi shopping sân bay là bay vô hỏi. Mình gặp bạn người Hàn nói tiếng Nhật siêu giỏi, tự tin, hâm mộ quá xá.
- Người Mumbai cực thân thiện, gần gũi, hoạt bát. Một cặp vợ chồng già cực dễ mến. Ông chồng không biết tiếng Anh nhiều, lần đầu hỏi thì kêu đợi bà vợ. Khi bà vợ đến thì chủ động kêu mình lại nói chuyện. Sang một nhóm khác thì họ hỏi mình người VN ăn thịt heo nhiều thì có biết cách phân biệt giữa heo với thịt khác không do trong đoàn họ có người đạo Halal, không ăn được thịt heo nhưng nhà hàng lại cho món có thịt heo. Họ phàn nàn về việc một số nhà hàng không có menu tiếng Anh. Người phụ nữ cho mình ăn thử hạt gì đó có mùi quế dùng để làm sạch miệng sau khi ăn. Ở Mumbai họ được học chương trình Anh Văn từ nhỏ.
- Người Thái hiền lắm, có người không nói được tiếng Anh phải mở bảng tiếng Thái.
- Người Singapore nói giọng Singlist. Có một cụ già người Sing khen mình young man, so kind hehe.
- Có một lần mình hỏi trúng 1 người Mỹ từng hỏi cách đây hơn 2 tháng. Đúng là Trái Đất tròn.
- Chuyến bay Amsterdam hỏi 1 gia đình người Netherlands, họ tỏ ra khó chịu do ban đầu mình nói khoảng 5’ thôi, sau đó thời gian kéo dài vì đi nhiều địa điểm và họ không muốn trả lời quá private về finance. Rút kinh nghiệm lần sau mình sẽ hỏi người ta có nhớ chi phí bao nhiêu và có thể cho mình biết được không thay vì hỏi trực tiếp chi phí là bao nhiêu. Nếu người ta lưỡng lự, không nhớ thì tuỳ đánh giá tình hình lúc đó để xem nên ráng gặng hỏi tiếp hay không.
- 2 cụ già người Mỹ nói Nhật so với khoảng năm 1990 thì khác rất rất nhiều, họ thích những nơi giữ được những nét truyền thống như kabuki trong sân bay (là một loại hình nghệ thuật sân khấu của Nhật, kết hợp của ca nhạc, diễn xuất, múa,…).
- Phát hiện ra rất nhiều người thích ramen, chứ không phải udon. Nhiều người thích nama chocolate, kitkat.
- Gặp 1 chị đi phượt leo núi trong 2 tháng ở Japan, rất là sporty.
- Một cô người Portugal trên 50 tuổi, từng là giáo viên dạy ngôn ngữ ở trường Đại Học, hobby là language và có thể nói được 8 thứ tiếng. Cô chia sẻ tới tận 20 phút, rất chân thành về những điều cảm thấy ở nước Nhật. Mọi thứ ở nước Nhật chỉ tốt cho người Nhật, người nước ngoài cảm thấy bị tách biệt. Ngôn ngữ là rào cản lớn và người Nhật được giáo dục hướng nội. Cổ khuyên mình nên đi du lịch nhiều nước khác như Mỹ, Châu Âu để hiểu thêm về sự khác biệt trong văn hoá. Cô nói có thể học tiếng Nhật sau này nhưng Japan không nằm trong wishlist nữa và cô không muốn quay lại Japan. Mình thích câu chuyện này quá xá, và thấy mình từng có nhiều suy nghĩ nằm trong câu chuyện đó. Những câu chuyện mặt trái đằng sau những lời ca tụng về nước Nhật.
- Một cặp vợ chồng Canada từng sống ở Hongkong, thuê xe hơi để du lịch rất nhiều nơi ở Hokkaido. Bà vợ nói rất thích Nhật và đã đến Nhật trên 10 lần. Ông chồng đang ngồi tính một xấp hoá đơn. Khi mình hỏi về chi phí mua sắm thì ông chồng chỉ vào sấp hoá đơn nói đây là lí do ổng đang đếm đây. Khi hỏi về chi phí ăn uống ổng hài hước chỉ vào bụng bự của ổng hehe. Ông giới thiệu cho app Tabelog là một app review quán ăn khá phổ biến của người Nhật.
Công việc làm thêm đầu tiên ở Nhật cho mình nhiều câu chuyện thú vị quá. Một quãng thời gian để nhớ, để thấy vui vì những điều may mắn mình được nhận. Sẽ nhớ những lúc như thế này lắm.
Tokyo, 21.07.2020
Nhiều trải nghiệm về con người, văn hoá hay quá anh ạ 😄
Thiệt là may mắn khi có cơ hội trải nghiệm những điều này á em. Dù làm có 8 tháng thôi nhưng anh thấy vui 😀