Khi đầu là cái búa thì nhìn gì cũng là cây đinh

Hôm trước, mình mới vừa xem xong phim The Lobster của Yorgos Lanthimos sau khi được recommend từ video của anh Q. Bộ phim có nội dung hơi kén người xem và có phần quái dị khi những người độc thân trong xã hội sẽ được chuyển tới một khách sạn để tìm bạn đời trong vòng 45 ngày. Sau thời gian đó, những kẻ thất bại trong việc tìm kiếm nửa còn lại sẽ bị biến thành động vật. Những người sống trong khách sạn không có tên (ngoại trừ nhân vật chính là David) và phải mặc trang phục giống y chang nhau mỗi ngày. Cách duy nhất để phân biệt là những đặc điểm tính cách lạ lùng để tìm bạn đời. Ở đây, bạn đời là một ai đó có điểm y hệt và cực đoan đến nỗi việc yêu hay không chỉ phụ thuộc vào một đặc điểm đó. Như là một anh chàng hay tự đập đầu làm chảy máu mũi để yêu cô gái hay chảy máu mũi, hay David ra vẻ lạnh lùng độc ác để yêu người phụ nữ tàn nhẫn. Những cặp đôi chỉ được công nhận nếu họ có đặc điểm giống nhau, không ai có thể gọi là yêu nhau nếu không có điểm nhận dạng giống nhau. Đối lập với khách sạn, có một khu rừng là thế giới hoàn toàn khác của những những kẻ cô đơn nổi loạn, gọi là loners. Ở đây, mọi hành vi lãng mạn hay yêu nhau hoàn toàn bị cấm đoán bằng những hình phạt tàn nhẫn. Cả 2 thế giới đều là những tư duy cực đoan trong việc lựa chọn tình yêu hoặc độc thân. Nhưng điều mình thấy thú vị từ bộ phim này chính là tư duy trắng đentư duy theo phổ.

TƯ DUY TRẮNG ĐEN (Black and white / All or nothing / binary thinking)

Trong phim có một đoạn hội thoại giữa David và hotel receptionist khi hỏi về xu hướng tính dục (sexual references). Sau một lúc suy nghĩ và đưa ra ý kiến muốn ghi dòng bisexual vào hồ sơ, anh đã bị từ chối thẳng thừng vì đó là một việc làm gây nhiều rắc rối phiền toái và phải lựa chọn giữa homosexualheterosexual. Hay khi lựa chọn giày, thì chỉ có size 44 hoặc 45 mà không có 44.5.

David:However, I had one homosexual experience in the past, in college. Is there bisexual option available?

Staff:I’m afraid you have to decide right now if you want to be registered as a homosexual or a heterosexual

Tư duy này trong triết học còn được gọi là tư duy nhị nguyên (dualism). Theo lối tư duy này, chỉ quan tâm tới DUY NHẤT 2 khả năng: đúng hoặc sai, tốt hoặc xấu, thắng hoặc thua, yêu hoặc ghét, vui hoặc buồn… Đối lập với tư duy này là nhất nguyên (monism), nổi bật trong cách suy nghĩ của Phật giáo, khi mọi biểu hiện đều nằm tổng hòa trong bản chất của con người, sự vật, hiện tượng.

Lối tư duy này tuy đơn giản, rạch ròi nhưng dễ dẫn đến xu hướng đánh giá quá cao hoặc quá thấp một vấn đề. Có một câu thành ngữ mô tả chính xác kiểu tư duy này là “yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”. Thực tế cuộc sống là một phổ rất rộng giữa hai cực vấn đề. Vì vậy tư duy chỉ quan tâm đến hai khía cạnh vô hình trung khiến thế giới quan trở nên hạn hẹp, dẫn đến một thái độ vơ đũa cả nắm và có những kết luận cực đoan.

Hơn nữa, tư duy trắng đen làm hạn chế khả năng học hỏi những cái mới, đẩy lùi sự phát triển của một con người. Khi mình học về learning styles trong Learning How To Learn của Dr. Barbara, có nói về 4 phương pháp học tập VARK (Visual–Auditory–Read/write–Kinesthetic). Phương pháp phân loại này đã tạo ra hàng loạt các khóa học kĩ năng, bài test đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty. Tuy nhiên, tư duy áp đặt việc học tập bằng một phương pháp cụ thể nào có thể gây hại nếu không áp dụng đúng cách. Ví dụ, nếu bạn là audiotory learner, và bạn tiếp thu tốt thông qua việc nghe. Điều này có thể giới hạn khả năng của bạn đối với việc sử dụng các giác quan khác khi học tập và làm việc. Sự thật là ta thường học tốt hơn bằng việc kết hợp nhiều giác quan khác nhau như nhìn, nghe, đọc viết, và xúc giác (Bokhari, 2019; Mozaffari, 2020)

“DON’T just characterize yourself as having only one learning style. Try to integrate all your senses” Dr.Barbara.

Tư duy trắng đen phần nào đã ăn sâu từ cách giáo dục, thụ động qua phim ảnh, và phần lớn do cảm xúc chi phối và tác động. Khi còn nhỏ, ông bà ba mẹ hay hỏi con cái là “Con thương ai nhất?”. Đến khi đi học, có tiết mục sinh hoạt dưới cờ. Những bạn học sinh giỏi, ngoan ngoãn, thành tích học tập tốt sẽ được tuyên dương. Những bạn phạm lỗi cũng sẽ được nêu tên dưới cột cờ. Còn đám trung bình ở giữa, mới là số đông nhất. Mình có một kỉ niệm khá ấn tượng hồi cấp 2, khi một lần Thầy tổng phụ trách đội đi lục cặp tất cả học sinh để tịch thu các thiết bị điện tử. Mình đã đập bảng một cái rầm nói Thầy không được xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của học sinh. Và thế là thứ 2 tuần sau đó mình đã bị nêu tên khi sinh hoạt dưới cờ haha.

Một tư tuy trắng đen rất rõ ngày nay là phần nào coi trọng cặp đôi hơn độc thân. Các quảng cáo cũng thường dùng hình ảnh cặp tình nhân, đôi vợ chồng, gia đình để thể hiện hạnh phúc. Áp lực còn lớn hơn nếu như bạn đã đến tuổi thông thường phải có người yêu hay lập gia đình mà vẫn còn đang một mình. Và nếu như bạn là một người trưởng thành, độc thân mà không đang tìm kiếm “người ấy” thì xã hội, bạn bè, gia đình có thể sẽ đặt dấu hỏi khá lớn ?

TƯ DUY THEO PHỔ (Spectrum / Continuum thinking)

Trong đoạn hội thoại khi thủ lĩnh người loners xâm nhập vào phòng riêng của cặp vợ chồng chủ khách sạn, dí súng vào đầu ông chồng và hỏi “How much do you love her, on a scale of 1 to 15?”. Những người loners có hệ suy nghĩ khác là tư duy theo phổ. Ở hệ tư duy này, tồn tại nhiều sắc độ màu xám khác nhau ở giữa hai cực trắng-đen.

Quay trở lại vấn đề sexual references trong đoạn hội thoại giữa David và hotel receptionist, có một thang đo của nhà khoa học Afred Kinsey về xu hướng tính dục của con người, từ 0 đến 6. Trong đó 0 là hoàn toàn dị tính (heterosexual) và 6 là hoàn toàn đồng tính (homosexual). Không ai hoàn toàn nằm ở số 0 hay số 6, mà phần lớn khuynh hướng tính dục của con người nằm ở giữa bảy nấc thang của thước đo Kinsey (Kinsey’s scale), tức là hầu hết chúng ta có khuynh hướng song tính, chứ không phải dị tính như nhiều người vẫn tưởng. Tuy nhiên, mình cảm thấy việc tìm cách lí giải cho tất cả mọi hiện tượng đôi khi không cần thiết. Việc nhìn nhận thế giới dưới lăng kính đa chiều và nhiều góc độ là điều quan trọng để có cái nhìn toàn diện và thấu hiểu hơn.

Trong y khoa, định nghĩa của WHO về sức khỏe cũng dưới góc nhìn của tư duy theo phổ.

“Health is a state of complete physical, mental, and social well-being, and not merely the absence of disease or infirmity”

“Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật”

Trong thực hành y khoa, việc chẩn đoán bệnh luôn tìm ẩn một số mức độ chính xác không tuyệt đối. Một bệnh có thể có nhiều biểu hiện đa dạng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố tác động và một triệu chứng bệnh có thể tương ứng với nhiều bệnh khác. Trên lâm sàng, có rất nhiều chỉ số đánh giá theo phổ. Và một trong những thang đo rất phổ biến và quen thuộc trong các nghiên cứu là thang đo Likert, thường dùng để khảo sát ý kiến.

Tư duy theo phổ còn hữu ích trong việc nhìn nhận cảm xúc, vốn là điều ẩn đằng sau mọi hành vi của con người. Thường cảm xúc được chia thành 2 loại: tích cựctiêu cực. Lối suy nghĩ phân loại như vậy đã làm ta vô thức trốn chạy cảm xúc tiêu cực và đi tìm cảm xúc tích cực. Bản chất cảm xúc chính là dữ liệu và không có cảm xúc tích cực hay tiêu cực. Từ những dữ liệu đó, ta có những dấu hiệu, bài học, cách nhìn nhận đánh giá vấn đề tốt hơn để có những điều chỉnh phù hợp. Ví dụ như bỗng một hôm ngủ dậy, mình thấy cơ thể mình uể oải, mệt mỏi quá. Hôm đó mình thấy cần nghỉ ngơi và thoải mái hơn với bản thân. Nếu chỉ suy nghĩ một chiều, có khi mình sẽ phớt lờ nó đi và lao đầu vào những kế hoạch, công việc đã đặt ra từ trước. Mình dừng lại, nghĩ về việc tại sao mình lại thấy như vậy. Thì ra là do những ngày, những tuần trước mình đã làm việc không nghỉ ngơi và thư giãn nên cơ thể báo hiệu, để mình nhìn nhận và điều chỉnh lại sinh hoạt. Từ đó, mình sắp xếp lại thời gian và dành những ngày lazy day cho chính mình để trở nên cân bằng hơn. Việc thực tập nhận diện, hiểu nguyên nhân, chuyển hóa cảm xúc và tìm cách điều chỉnh là một thực tập rất thực tế và không hề cao xa của một triết lí cơ bản trong đạo Bụt gọi là Tứ Diệu Đế. Hay một cách khác còn gọi là thực tập chánh niệm (Mindfulness) hay thực tập EQ (Emotional Quotient/Emotional Intelligence). Tự dưng, ngẫm ngẫm rồi chiêm nghiệm lại, mình lại thấy rõ ràng hơn tất cả mọi thứ đều có sự liên quan khá chặt chẽ với nhau.

Hơn nữa, khi có cái nhìn nhận đúng về cảm xúc rồi, mình bắt đầu dừng việc tìm kiếm những cảm xúc gọi là “đặc biệt”. Hồi đó, mình hay viết journal kiểu “Hôm nay thấy phấn khích tột độ vì…”, “Một ngày thật sự buồn chán vì…”. Thật ra, giữa 2 thái cực buồn thê thảm và vui cực độ tồn tại vô vàn trạng thái cảm xúc khác nhau. Hầu như đa phần cảm xúc mỗi ngày đều sẽ nằm ở khoảng giữa. Và “bình thường” đôi khi đã là một dạng cảm xúc tốt rồi đó. Mình bắt đầu chấp nhận và trân trọng hơn những cảm xúc bình thường mỗi ngày.

Một cách rõ ràng hơn, không thể đơn giản phân loại sự việc thành 2 nhóm thái cực và có cái nhìn phiến diện về vấn đề. Không có đúng tuyệt đối hay sai tuyệt đối. Tất cả là sự thay thế các quan điểm và nhân sinh quan theo thời gian và góc độ khác nhau để giúp ta hiểu rõ hơn vấn đề. Nếu có thể thay đổi suy nghĩ mọi thứ phải là tốt hoặc là xấu, ta sẽ có cơ hội nhìn thấy những điều tích cực khác.

Tóm lại, nếu cái đầu mình chỉ là cái búa, thì mình chỉ sẽ nhìn thấy toàn cái đinh mà thôi 😉

CUONG TRAN

Ocha – Tokyo, 05.08.2020

Posted by

Chào bạn, mình là Cường. Đây là nơi mình tự do lưu giữ vài hành trình trong cuộc sống. Hy vọng bạn cùng chia sẻ, và tìm được cái gì hay ho, bạn nha.

3 thoughts on “Khi đầu là cái búa thì nhìn gì cũng là cây đinh

  1. Cảm ơn Cường về bài viết rất hay. Cho Linh hỏi vì sao một số người lại có tư duy trắng đen, một số người lại có tư duy theo phổ?

    1. Cảm ơn Linh đã đọc bài viết. Cường không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này, nhưng Cường nghĩ suy nghĩ của mình trong quá trình lớn lên bị tác động từ gia đình, bạn bè, giáo dục, văn hóa xã hội, trải nghiệm cá nhân…tạo nên giới hạn về “độ rộng” trong nhận thức. Có khi nhận thức của mình còn bị chính những hiểu biết của mình quy định nữa. Cứ dần trải qua rồi nghiệm lại, biết đâu Linh cũng sẽ tự có câu trả lời riêng cho mình 😀

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *