Trải nghiệm thiền 1 tiếng và những thay đổi nho nhỏ

Hôm nay, mình lại nói về thiền đây. Vì mình cảm thấy dạo này việc thực hành đem đến thêm vài cảm giác mơi mới, vài suy nghĩ nho nhỏ, vài nhận thức hay hay và vài dòng chia sẻ linh tinh thế này nè.

VÀI SUY NGHĨ CỦA MÌNH VỀ THỰC HÀNH THIỀN

Mình tiếp cận lần đầu tiên đến thiền theo hướng thực hành. Lúc đầu, mình sử dụng một ứng dụng có tên là Calm, từ ngày 02.02.2018. Ứng dụng này có nhiều bài dẫn thiền như Daily Calm khoảng 10 phút/ngày, Sleep Stories, các bài thiền theo chủ đề, các hiệu ứng âm thanh để thư giãn,… Mình đã subscribe được 2 năm, với giá cũng không phải rẻ ở mức 1.089.000đ/năm. Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng thiền với chất lượng và nhu cầu khác nhau. Mình thấy nên bắt đầu với ứng dụng miễn phí trước để trải nghiệm sự phù hợp cũng như động lực của bản thân trước khi có quyết định mua hay không.

Những ứng dụng như thế này được gọi là guided meditation, hay còn gọi là thiền theo sự hướng dẫn. Mình thấy sự dẫn dắt rất cần thiết khi bắt đầu. Vì sự thay đổi từ thiền không đem đến kết quả rõ ràng ngay lập tức. Mình khó có cảm nhận rõ là mình làm tốt hay không, cũng như dễ nản và khó duy trì được nếu không có sự hỗ trợ, dẫn dắt phù hợp cũng như tự nỗ lực và kiên trì từng chút một. Nó giống như việc mình loạng choạng mò đường trong bóng tối, lạ lẫm với chính mình, và rất khó dừng lại được tâm trí ồn ào. Việc thực hành này cũng như một hình thức tập gym tinh thần (mental gym). Trong đó, ý chí vững vàng sẽ giúp mình kiên trì đi theo mục tiêu. Nhưng sự thay đổi lớn không chỉ đến từ sức mạnh ý chí đơn thuần. Mình cần trang bị thêm về phương pháp và có sự hướng dẫn phù hợp để tự hỗ trợ mình, và nhất là không bị “lạc đường”. Mình từng viết một bài trước có tên “Meditation và Mindfulness dưới góc nhìn của thực hành thói quen” về lợi ích của thiền và chánh niệm dưới góc nhìn của khoa học thần kinh, và một số phương pháp nho nhỏ mình đang thực hành để đưa thói quen thiền vào cuộc sống hàng ngày.

Hơn nữa, thiền là một hình thức thực hành tâm linh, nên mình nghĩ vấn đề cốt lõi cần phải hiểu cho rõ: thiền là gì, và tâm linh là gì? Vì hầu như những nỗi sợ và mơ hồ đa phần xuất phát từ những gì ta chưa hiểu rõ. Và những suy nghĩ sai lệch sẽ xuất phát từ việc không có hiểu biết rõ ràng và đúng đắn. Với mình, thiền đơn giản là thực hành quan sát hơi thở, suy nghĩ. Còn tâm linh là sự liên kết của mình với bản thân, những người xung quanh, và những loài khác để tạo nên sự hài hoà và bình an trong cuộc sống. Như vậy thiền thông qua quan sát hơi thở, suy nghĩ là một cách để kết nối với bản thân để bắt đầu thực hành đời sống tâm linh rồi ;).

Dạo này mình đọc và nghe nhiều thông tin, và thấy thiền dần được nhiều người chú ý hơn và đưa vào các chương trình đào tạo, tập huấn. Nổi bật có thể kể như Search Inside Yourself của Google với 4 trụ cột về Emotional Intelligence, Leadership, MindfulnessNeuroscience. Gần đây, mình còn thấy thông tin về phương pháp Meditation-Based Stress Reduction trong một workshop khác ở Việt Nam nữa. Mình càng thấy rõ ràng thiền và chánh niệm đã len lỏi dần dần vào xã hội và cuộc sống ở Việt Nam. Là một người làm trong lĩnh vực y tế, và cảm nhận được những thay đổi tích cực từ thiền, mình càng củng cố thêm niềm tin trên con đường thực hành cá nhân và mong muốn phương pháp này ngày càng được áp dụng rõ ràng và chính thống hơn trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.

Tuy nhiên, quá trình thực hành tâm linh, thấu hiểu bản thân và sống cân bằng, an hoà còn là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố cần thực hành, rèn luyện, sửa đổi từng chút từng chút một mỗi ngày. Thiền là một trong số những phương pháp thực hành, và cần phải kết hợp đồng thời thêm nhiều thứ khác nữa như là ăn chay, thực hành chữa lành, thực hành năm giới, thực hành trí thông minh cảm xúc,… Từ hiểu biết này, mình trả lời được cho thắc mắc trước đây của mình tại sao nhiều người thiền, ăn chay, đi chùa,…mà tâm tính rất sân si, hành động rất bản năng và không hề có một chút suy nghĩ bình an nào. Vì một nhận thức vô cùng sai lầm là chỉ làm một điều là đủ.

MỘT SỐ YẾU TỐ HỖ TRỢ

Để thực hành thiền hiệu quả, mình cần chuẩn bị thêm một số cái nho nhỏ để hỗ trợ chính mình tốt hơn.

  • Phân chia không gian. Đây là điều mình quan trọng mà mình đã chia sẻ trong câu chuyện con ruồi ở bài viết “Meditation và Mindfulness dưới góc nhìn của thực hành thói quen”.
  • Nói thêm về không gian. Cần chọn nơi có cảm giác an toàn, dễ chịu, yên tĩnh tránh phân tâm, ánh sáng không quá gắt.
  • Một số dụng cụ hỗ trợ tư thế: thảm yoga, gối ngồi thiền, đệm thiền, hay còn gọi là tọa cụ hoặc bồi đoàn.
  • Thực hành thói quen: để giảm bớt cảm giác áp lực và trì hoãn ban đầu, chỉ nên bắt đầu với những mốc thời gian rất nhỏ rồi nâng dần lên, từ 5-10-15-20-25-30-35 phút và rồi thử thách với 1 tiếng thử xem sao. Cá nhân mình, để hình thành thói quen thiền, mình đã áp dụng các phương pháp implementation intention, the law of least effect, habit stacking, và deliberate practice.
All big things start small (Photo by Majharul Islam on Unsplash)

TRẢI NGHIỆM THIỀN 1 TIẾNG

Đây mới là phần chính mình muốn lưu lại trong bài này nè haha. Đó là trải nghiệm cá nhân của mình về thiền trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Gần đây, mình có tham gia thêm một group thiền vào mỗi sáng nữa. Mình cảm thấy rất bình an, thoải mái và hiệu quả khi có một-người-anh-lớn, và những-người-bạn-đồng-đạo cùng thực hành và chia sẻ chung giá trị, để mình có hướng đi rõ ràng và đúng đắn hơn. Mình như tìm được thêm một điểm cân bằng vững vàng hơn trong cuộc sống. Mình thật sự rất trân trọng và biết ơn vì điều may mắn này!

Trải nghiệm về lần thiền 1 tiếng khá thú vị với mình ở nhiều suy nghĩ và cảm giác.

  • Ban đầu, tâm trí sẽ khá lộn xộn, loạn xạ và khởi lên nhiều suy nghĩ, kí ức, cảm giác trong quá khứ, hiện tại hay tương lai. Đây là điều hết sức bình thường, vì tâm trí giống như con khỉ (monkey mind) liên tục chuyền từ cành này sang cành khác. Trong xã hội đề cao giá trị của sự tiêu thụ và mọi thứ phải thật nhanh và tiện lợi, tâm trí mình rất khó để dừng lại và luôn luôn phải tìm một điều gì đó, thứ gì đó để làm, để suy nghĩ (craving mind). Và mình rất khó dừng lại.
  • Mình chỉ cần nhớ và liên tục lặp đi lặp lại 3 bước: tập trung hơi thởsuy nghĩ khởi lênquay về hơi thở.
  • Chân mình bắt đầu tê. Lưng bắt đầu mỏi hay đau. Một vài vị trí bắt đầu xuất hiện cảm giác ngứa ngáy khó chịu kích thích hành động muốn gãi. Miệng mình bắt đầu tiết nhiều nước bọt hơn làm mình muốn nuốt,… Rất nhiều cảm giác sẽ khởi lên đòi hỏi mình phải hành động gì đó. Những lúc như vậy, hãy cố gắng quan sát và cố gắng, cố gắng nếu được để vượt qua. Rất nhiều lần, những cảm giác đó đều lắng xuống.
  • Mội hồi sau, mình có một chút cảm giác vững chãi. Một sự vững chãi vật lí và kể cả trong tinh thần, suy nghĩ, đến từ sự tĩnh lặng. Mình không biết diễn tả cảm giác đó như thế nào. Ngay lúc đó, mình chỉ nghĩ ngay đến một câu nói cuối phim Walk With Me của Thầy Thích Nhất Hạnh rằng “At that moment, I felt perfectly at peace. Not one sad or anxious thought entered my mind. Ideas of past, present, and future dissolved. And I was standing at the luminous threshold of a reality that transcends time, space, and action. I arose and sat in meditation for the rest of the night. At that remained was a deeply rooted peace. I sat like a mountain and I smiled”.
  • Sau cảm giác đó một lúc, cơ thể vật lí mình chuyển sang cảm giác nặng nề. Mình mất cảm giác hình dung về cơ thể. Mình không còn hình dung và cảm giác được hình dạng của bàn tay hay chân của mình nữa. Cơ thể lúc này nặng như một khối vật chất, chứ không còn hình dạng một con người.
  • Cảm giác này y hệt cảm giác bóng đè mình thường trải qua lúc nhỏ, có ý thức về xung quanh nhưng hệ thần kinh vận động như ngừng hoạt động khiến cho cơ thể không thể cử động được. Toàn thân rất nặng, cảm giác hơi thở chỉ còn tồn tại ở phía trên. Sau đó hơi thở trở nên nặng nề và cảm giác khó thở. Mình cảm thấy muốn thoát ra khỏi sự trì trệ của vật thể nặng nề này, nhưng không thoát ra được.
  • Lúc sau, mình cố gắng điều chỉnh cái lưng một chút cho thẳng lại, thì cảm thấy thoải mái hơn chút xíu. Mình tính đổi chân thì hết 1 tiếng. Cảm thấy như bị mất đi khái niệm về thời gian đâu đó.
  • Xả thiền và quay lại.

Thật là một trải nghiệm thú vị.

MỘT SỐ THAY ĐỔI NHO NHỎ KHI THỰC HÀNH THIỀN

  • Mình nhận ra mình chậm lại hẳn trong mọi hoạt động. Đi chậm hơn. Ăn uống chậm hơn. Làm gì cũng chậm hơn.
  • Mình chủ động và có ý thức rõ ràng hơn trong các hoạt động, biết mình đang làm gì, tại sao mình lại làm và điều đó sẽ dẫn mình đến đâu.
  • Mình bớt multitasking.
  • Mình nhạy cảm hơn với đám đông, với sự ồn ào, và có xu hướng tránh xa sự ồn ào không cần thiết.
  • Mình bắt đầu nhận ra những điểm không cân bằng ở người khác, trong suy nghĩ, hành động, và cảm xúc. Nhưng mình không cố gắng thay đổi bất kì ai.

Nhìn chung, đây là một sự thay đổi cần thiết trong cuộc sống của mình, hướng đến giá trị cân bằng sức khoẻ thể chất, tâm trí và tinh thần. Chậm mà nhanh. Mình càng tĩnh lặng, càng thấy rõ sự ồn ào, càng nhìn thấy nguyên nhân và tìm cách vượt thoát khỏi sự vô minh.

Từng chút một xây dựng những giá trị cốt lõi, sẽ giúp mình cân bằng hơn và đi xa hơn trong cuộc sống, nhiều nhiều nhiều lắm.

CUONG TRAN

Odaiba-Tokyo, 15.09.2020

Thanks to Jackson Hendry for photo on Unsplash.

MỘT SỐ BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Meditation và Mindfulness dưới góc nhìn của thực hành thói quen

Learning How To Learn & Mindshift

Tĩnh lặng cho mình hiểu gì

Posted by

Chào bạn, mình là Cường. Đây là nơi mình tự do lưu giữ vài hành trình trong cuộc sống. Hy vọng bạn cùng chia sẻ, và tìm được cái gì hay ho, bạn nha.

4 thoughts on “Trải nghiệm thiền 1 tiếng và những thay đổi nho nhỏ

  1. “Những gì có thể gây hại với thiền giả chính là sự mê mải vào định, thiền định với sự tĩnh lặng rất sâu, được duy trì liên tục. Sự thiền định này mang lại niềm an yên tuyệt vời. Khi có an yên, ắt sẽ có lạc thú. Khi đã có lạc thú, sự dính mắc và bám chấp vào lạc thú ấy sẽ khởi sinh. Thiền giả không còn muốn quán niệm bất cứ điều gì nữa, anh ta chỉ muốn tự cho mình được hưởng thụ cảm giác dễ chịu ấy. Khi ta đã thực hành đủ lâu, ta có thể trở nên tinh thông việc nhập định một cách hết sức nhanh chóng. Ngay khi ta bắt đầu ghi nhận đối tượng hành thiền của ta, tâm sẽ nhập vào cõi lặng, và ta không muốn thoát ra để nghiên cứu thêm gì nữa. Ta chỉ bị mắc kẹt vào trong lạc thú ấy. Điều này là một mối nguy với ai hành thiền.”
    Ajahn Chah
    Đọc đoạn pháp này thấy giống gì biết không? Giống hệt bộ phim Inception, khi vợ của Cobb (Leonardo DiCaprio đóng) bị chìm vào giấc mơ sâu và không còn muốn thoát ra nữa. Cô ấy thấy dễ chịu trong giấc mơ đó và gần giống như sự nhập định quá sâu trong thiền.
    Cẩn thận với việc thiền quá sâu nha con hàng…

    1. Yah việc mắc kẹt vào cảm giác dễ chịu khi ngồi thiền cũng là chuyện có thể xảy ra và cần luôn quan sát để điều chỉnh ha m.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *