Sau ngày trượt tuyết đầy bão táp đúng nghĩa, ngày cuối cùng của chuyến đi mình quyết định tới Geibikei. Để tới được đây cần di chuyển bằng tàu hoặc bus local từ Ichinoseki. Và một ngày chỉ có vài chuyến rất thưa thớt. Ngồi trên bus mà khung cảnh hai bên đường càng lúc càng trở nên vắng vẻ, ngoằn nghèo giữa những đoạn đường không một bóng người. Ngoài trời tuyết lất phất, phủ một màu trắng xóa ảm đạm. Tuy mình đã lên một kế hoạch vô cùng hoàn hảo cho thời điểm đến, đi ngắm cảnh rồi kịp chuyến tàu quay về, nhưng cơn buồn ngủ và nhức đầu làm mình đi lố một ga tới Shibajuku, thay vì Geibikei. Xuống bus, chạy vội vào cửa hàng tạp hoá gần đó để tránh cái lạnh đang rít trong không khí, hoang mang không biết làm gì tiếp theo vì không có bus quay lại, và càng không có taxi nơi hoang vu hẻo lánh này. Kiểm tra lại ga tàu gần đó và lịch tàu thì may quá khoảng 30’ nữa sẽ có tàu về Geibikei.
Trạm tàu gần đó là một nhà chờ địa phương rất nhỏ, không có nhân viên hay máy soát vé. Mình đẩy cửa kéo vào trong, thấy một người phụ nữ khoảng 60 đang nằm trên băng ghế chờ, kế bên là túi đồ như vừa đi chợ về. Bà lật đật ngồi dậy, bất ngờ cứ như có khách đến nhà. Câu chuyện bắt đầu bằng những câu cảm thán về cái lạnh của thời tiết những ngày vừa qua. Giọng của bà ấy nhanh, đặc sệt tiếng địa phương mà mình đa phần không hiểu kịp. Chuyện này nối tiếp chuyện khác, cứ thế người phụ nữ ấy huyên thuyên đủ thứ chuyện như vừa bắt gặp được một người bạn tâm giao lâu rồi không gặp. Ban đầu, mình cảm thấy hơi lo lắng vì không hiểu được hết câu chuyện. Rồi mình nhận ra rằng bà ấy chỉ cần được nói và cần có người nghe nên mình đã thực hành lắng nghe trong suốt gần 30 phút chờ tàu tới. Bà tiếp tục nói, mình giao tiếp bằng cách đệm những từ “hai, hai” thể hiện sự đồng ý và tiếp nhận thông tin mà người Nhật hay sử dụng. Bà ấy sống một mình, đi siêu thị mua đồ nấu lẩu, và kể thật chi tiết cách sẽ chế biến món lẩu hôm nay. Bà nhìn xa xăm ra bên ngoài cửa kính, rồi đôi lúc chạm nhau vài ánh mắt. Mình hỏi bà sống một mình có cô đơn không, rồi câu chuyện lại tiếp tục bằng một chuỗi dài lắm mà mình không hiểu hết. Nói một hồi, bà lấy 2 cục cơm nắm onigiri rồi dúi vào tay tụi mình. Ban đầu còn ngần ngại, rồi tụi mình nhận lấy và cảm ơn để người phụ nữ ấy vui. Câu chuyện lại tiếp tục cho đến khi tàu tới.
Mình lên tàu, ngồi cách bà ấy một đoạn. Kế hoạch tiếp tục thay đổi vì tuyết rơi và lịch tàu quá thưa thớt, mình quyết định về lại Ichinoseki mà không đi Geibikei nữa. Lúc tàu sắp dừng ở Geibikei, bà ấy còn đi tới chỗ nhắc tụi mình nhớ xuống kẻo quên nữa chứ. Trong suốt chuyến tàu đó, mình cứ nghĩ về cuộc gặp gỡ thiệt kì lạ. Kì lạ vì sống ở Tokyo đủ lâu để mình cảm thấy có sự thu mình lại nhất định trong thế giới riêng và tôn trọng sự riêng tư lẫn nhau, mà ít khi có sự cởi mở như cách người phụ nữ vừa gặp trong cuộc nói chuyện vừa rồi. Cơn buồn ngủ lại kéo đến, và mình mơ màng đi đôi chút.
Lúc xuống ga Ichinoseki, mình quay lại tính chào bà ấy thì không thấy nữa, chắc đã xuống giữa đường rồi. Lúc ngồi đợi tàu ở trong ga, tự dưng mình thấy man mác. Nghĩ về một người vừa mới gặp, lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng làm mình thấy một chút tiếc nuối của sự chóng vánh. Những câu chuyện chả mấy liên quan và vài hành động tử tế lại để lại ấn tượng sâu sắc và ấm áp đến vậy. Mình tự hỏi liệu những cuộc gặp gỡ như thế này có ý nghĩa gì, hay mình mới là người nắm giữ cái ý nghĩa của những điều xảy ra trong đời?
Nếu mình là người quyết định cái ý nghĩa đó, mình sẽ nghĩ đó là lời nhắc nhở về cách lắng nghe sâu. Thực sự hiện diện, im lặng lắng nghe bằng tất cả giác quan, không phán xét, không lời khuyên. Mình giật mình một chút khi nhiều lần mình đã lắng nghe toàn để cho lời khuyên, khi mình chỉ tập trung vào cảm xúc của bản thân mà quên mất rằng mình cần tạo ra không gian để người nói được nói ra suy nghĩ, cảm xúc, và không cần được giải quyết vấn đề.
Lần sau nếu được ai đó kể chuyện, chắc mình sẽ dừng lại một bước và tự hỏi trước rằng người đó cần được lắng nghe, hay cần cho lời khuyên?
Ocha-Tokyo, 18.03.2021