Mình thích cái tĩnh lặng của mỗi buổi sáng. Dậy sớm, tắm rửa, tập thể dục, ngồi thiền và dành thời gian tĩnh lặng cho bản thân. Cái tĩnh lặng đó, không chỉ đơn thuần là sự vắng mặt của âm thanh, mà còn là một khoảnh khắc dừng lại và quan sát. Khi mình hạnh phúc và bình an, thì mình cứ hạnh phúc và bình an vậy thôi. Không cần thiết phải thể hiện gì ra bên ngoài cả. Mình thương, và cứ muốn ở bên cạnh cái sự bình an đó quá chừng.
Hôm nay là rằm tháng 7, mình nhắn cho Ba Mẹ là:
Hôm nay là Quốc Khánh, cũng là lễ Vu Lan. Con cảm ơn Ba Mẹ đã sinh ra con, nuôi dưỡng và ủng hộ con vô điều kiện. Thương yêu Ba Mẹ rất nhiều 😘❤️🌹.
Mình cảm thấy xúc động. Một số câu chuyện kéo tràn về trong suy nghĩ. Trong đó là câu chuyện một lần Mẹ chở qua cầu Ghềnh năm mình lớp 10 (2008).
Đó là khoảng thời gian cấp Ba khi mình mới lên Sài Gòn. Mỗi chiều thứ Sáu đón xe bus về lại Biên Hòa, sáng sớm Chủ Nhật 5 giờ thức dậy, rồi Mẹ chở ra bến để bắt chuyến bus lúc 6 giờ lên lại Sài Gòn cho kịp giờ học thêm môn Sinh Học vào 7 giờ rưỡi. Mẹ lái xe rất yếu nên mỗi lần qua cầu phải chạy rất chậm ở làn đường chỉ vừa đủ 1 chiếc xe, và hay loạng choạng run tay vì sự trơn trượt của những thanh thép vắt ngang trên sàn cầu. Trong một cuộc nói chuyện vu vơ nào đó về việc ở xa nhà, Mẹ nói về chuyện khi con ở xa nhà, con sẽ biết quý trọng những mối quan hệ con người. Câu chuyện này chắc Mẹ cũng không còn nhớ, nhưng cảm giác đó, thời điểm đó và ý nghĩa trong câu nói đó, mình còn nhớ.
Cây cầu Ghềnh gắn liền rất đậm nét trong một phần kí ức tuổi thơ mình, có lẽ bởi cảm giác vừa sợ mà vừa thích của tiếng gập ghềnh sàn cầu mỗi lần chạy qua. Tuy cái tên gọi ấy, theo các cụ lão làng ở Cù Lao Phố thì không đúng và không có ý nghĩa bằng cách gọi Cầu Gành mà người Biên Hòa đã gọi hàng trăm năm nay. Tên “Gành” được đặt dựa vào địa thế của khu vực lòng sông Đồng Nai. Nơi đây có nhiều gành đá tảng lớn dưới lòng sông, mỗi khi thuỷ triều xuống, những tảng đá to lớn nổi lên rất rõ. Tương truyền đây là những khối đá do người dân ném xuống lòng sông để làm rào cản ngăn tàu Pháp đánh chiếm Thành Biên Hòa vào năm 1860. Tên gọi “Ghềnh” có thể là do những người miền Bắc di cư đến Biên Hòa sau năm 1975 phát âm trại từ tên “Gành” thành tên “Ghềnh”.
Một sự kiện lịch sử xảy ra vào ngày 20.03.2016 khi tàu kéo sà lan đâm vào trụ giữa của cầu Ghềnh làm hai nhịp cầu sập xuống nước, cắt đứt tuyến đường sắt Bắc-Nam. Khi ấy, khách lên tàu từ ga Sài Gòn buộc phải xuống ga Sóng Thần để trung chuyển bằng đường bộ đến ga Biên Hòa và ngược lại. Đây là sự cố khiến giao thông đường sắt bị đình trệ trong khoảng nửa đầu năm 2016. Ba tháng sau đó, ngày 26.06.2016, cầu Ghềnh mới đã hoàn thiện, tuyến đường sắt Bắc-Nam được nối liền.
Mình bắt gặp 1 tấm hình về chuyến tàu đầu tiên qua cầu Ghềnh mới của bạn Phạm Việt Minh Anh. Không hiểu sao có cảm giác rất thân thương và ấm áp quá chừng, như một kí ức nào đó trong mình từng bị mất và gãy vỡ, nay được chữa lành.
Khi mình lớn lên, trải qua nhiều hơn một chút những chuyện ngược-xuôi trong cuộc sống, mình nhiều lần suy nghĩ lại và ngẫm nghĩ về câu nói lúc trước của Mẹ. Như là một cảm giác khai sáng, vỡ lẽ ra điều gì đó hay ho lắm. Cho nên kí ức đó, cứ gắn chặt không phai.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp đại học năm 2016, có một đoạn mình nói là:
Thưa ba, thưa mẹ, cách đây hơn 20 năm, ba mẹ là người đã nắm lấy bàn tay nhỏ xíu đưa chúng con đến với thế giới này. Ngày hôm nay, chúng con cảm ơn ba mẹ đã không ngại đường xa để có mặt tại đây, hòa chung trong buổi lễ xúc động này, chứng kiến khoảnh khắc chúng con khoác tấm áo tốt nghiệp, đọc lời tuyên thệ trở thành những Tân Bác Sĩ, Tân Cử Nhân. Niềm vui và niềm vinh dự này là món quà lớn nhất mà chúng con muốn gửi đến Ba Mẹ. Ba Mẹ ơi, chúng con cảm ơn Ba Mẹ vì hình hài này, vì nhân cách và cũng như tất cả những hi sinh thầm lặng mà Ba Mẹ đã dành cho tất cả chúng con. Thành quả mà hôm nay chúng con có, nền tảng chính là công ơn sinh thành dưỡng dục của Ba Mẹ. Ba Mẹ ơi, chúng con muốn nói rằng chúng con cám ơn Ba, cám ơn Mẹ. Chúng con yêu Ba Mẹ thật nhiều.
Hôm đó, Mẹ mình ngồi bên dưới. Và khóc.
Mình cũng từng là một đứa trẻ không thích thể hiện cảm xúc ra quá nhiều. Nhưng mình nghĩ mình cần phải chủ động thay đổi một chút. Vì yêu thương là phải đi liền với hành động. Ít nhất mình phải nói cho người khác biết là mình thương, mình yêu người ta lắm.
“Yêu thương dài lâu là câu chuyện của “Communication”, của sự trao đổi, của lắng nghe thấu hiểu nhau. Một nốt lặng đúng lúc sẽ là tiếng ngân đẹp, nhưng một quãng lặng quá lâu sẽ làm người ta buông bỏ. Im lặng mãi mãi chỉ có nghĩa là im lặng mà thôi, đừng gán ý nghĩa nồng nàn nào cho nó cả.” (lời Phiên trong “Im Lặng và Yêu Thương”)
Ocha-Tokyo, 02.09.2020
Featured photo on Unsplash by Andraz Lazic
MỘT SỐ BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Meditation và Mindfulness dưới góc nhìn của thực hành thói quen
Đoạn trích “Im lặng và yêu thương” cuối cùng mình cảm nhận cảm xúc nó thiên về đôi lứa nhiều hơn nên cảm xúc mình hơi chao đảo một tẹo. Anyway, tổng thể đây là một chiếc blog dễ thương của chủ nhân.
Cảm ơn bạn. Bài viết đó đề cập đến tình cảm lứa đôi, nhưng mình thấy đồng cảm quá nên “tham lam” rinh về đó mà hehe.
Cảm ơn em vì bài viết, rất lâu rồi không cảm thấy có cái gì chạm đáy, chị đã rơi nước mắt khi đọc bài của em.
Cảm ơn chị đã đọc. Đôi lúc những khoảnh khắc “chạm” khiến cho mình nhìn lại được điều gì đó chị hen.