Mình vừa tốt nghiệp PhD sau 4 năm ở Nhật. Bốn năm tuy dài nhưng khi đã trải qua rồi nhìn lại, thì nhanh như một cái chớp mắt.
Khi trải qua một vài năm tháng trên những chặng đường với nhiều thử thách tâm lý, tự nhìn thấy chính mình thay đổi thì đến một lúc cũng sẽ vỡ lẽ ra một vài sự thật. Những con đường mà mọi người từng đi trong những năm tháng tuổi trẻ có thể khác nhau, nhưng tựu chung vẫn đều là đi để hoàn thiện mình. Khi mà “cái tôi” đã bớt sôi sục làm bản thân mất tỉnh táo thì mình dần hiểu vì sao mọi thứ từ đầu vẫn luôn là một hành trình chung chứ không phải là “tôi” và những điều còn lại. PhD không phải là một con đường riêng khác biệt, mà chỉ là một phần trong chặng hành trình lớn hơn của cuộc sống – hành trình học cách nhận diện và điều chỉnh cảm xúc.
Là một người trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, từ khi hiểu thêm về nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, mình lại thấy thêm rằng thế giới cảm xúc cũng đa dạng và phong phú không kém. Qua việc thực tập và nghiệm lại những điều đã trải qua, mình nhận ra rằng, kĩ năng điều chỉnh cảm xúc cực kì quan trọng như một kĩ năng sinh tồn. Tất cả những hành động, quyết định lớn nhỏ hàng ngày khi nhìn kĩ hơn thì đều được vận hành bởi nhiều tầng cảm xúc khác nhau. Khi có khả năng thấu hiểu, quản lí cảm xúc bản thân và những suy nghĩ về cảm xúc đó, mỗi người trước hết có thể tự tạo ra bình an với chính mình, xây dựng mối quan hệ vững bền, đưa ra quyết định phù hợp và hiệu quả hơn, vượt qua mâu thuẫn khó khăn mà không tạo ra tổn thương với người khác.
Một số phương pháp mình thực hành để điều chỉnh cảm xúc tốt hơn:
1. Cho bản thân 60s đừng ra hành động nào
60 giây chỉ là một con số ẩn dụ. Có thể bạn cần 6s, 60s hoặc vài phút. Vì bản chất của cảm xúc là những chất hóa sinh trong liên kết thần kinh ở não bộ. Theo thời gian, tất cả cảm xúc đều nguôi ngoai và dịu lại. Nó có thể không biến mất hoàn toàn, nhưng cường độ và tác động của cảm xúc đến hành vi cũng sẽ ít trở nên nghiêm trọng hơn. Học cách dừng lại chính là học cách sử dụng một cái phanh cho bản thân khi quá nóng giận, cũng như cả khi quá vui. Dừng lại để giúp bản thân nhận diện và đưa ra phản hồi tốt hơn chứ không phải phản ứng nông nỗi và bất chợt. Dừng lại bằng cách tự đặt cho bản thân những câu hỏi để cân bằng giữa lý trí và cảm xúc:
- Mình đang có những suy nghĩ gì?
- Mình đang cảm thấy như thế nào?
- Mình đang muốn hành động gì?
2. Không ức chế cảm xúc
Nhận diện và đối xử với cảm xúc như một người bạn đến chơi nhà. Chấp nhận bạn đến, ở lại, và rời đi. Đây là sự thực hành thiền quán, cần phải luyện tập và kiên trì. Thực hành thiền và lợi ích mình có viết rõ hơn chút xíu ở đây.
3. Tạo hành vi thay thế
Thực tế cảm xúc xảy ra theo đừng đợt chứ không liên tục rồi hết. Nếu cứ tập trung, nhấn nhá vào cảm xúc đó sẽ tái kích hoạt liên tục và làm cảm xúc leo thang và bùng nổ. Chuyển từ ngồi một chỗ sang đi uống nước, đi bộ, chạy bộ, hoặc các hoạt động khác như chơi nhạc cụ, chụp hình, vẽ vời,… Đây là bước cần thiết để ngăn cảm xúc tiếp tục phát triển.
4. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân
Việc nói chuyện và chia sẻ với những người biết lắng nghe, đồng cảm và có hiểu biết sẽ giúp bản thân có góc nhìn khác về vấn đề hiện tại, hiểu được bản chất vấn đề rõ ràng hơn. Một số ít người bạn mình luôn tìm tới mỗi khi cần trò chuyện vì năng lượng của họ giúp mình bình tĩnh và cân bằng lại rất nhanh.
Sắp tới cuộc sống mình sẽ trải qua một số thay đổi cần thiết. Sự chuyển đổi lúc nào cũng tạo ra căng thẳng và hỗn độn. Có khi nó còn là những đứt gãy cần thiết để tạo ra sự thay đổi trong cách suy nghĩ, cách sống, và cách tương tác với xung quanh. Mình nhận ra những thời điểm thay đổi nhận thức thường đến dưới hành dạng bình dị, đời thường nhất. Việc dịch chuyển giá trị có thể diễn ra từ từ và là dòng chảy âm thầm. Chỉ có sự chú tâm, nghiệm lại để biến những điều đã trải qua thành sự thay đổi. Vì vậy mà sự chứng ngộ là tức thì nhưng sự chuẩn bị cho nó là dần dần, kiên trì và bền bỉ. Hành trình này vẫn còn dài và dài lắm. Mong mình đủ sự tỉnh táo và cân bằng để bước tiếp.
Cuong Tran
Quảng Nam, 26.09.2021