[BOOKNOTE] Cái chết giống như mặt trời, không ai có thể nhìn vào nó quá lâu

Sách của bác Giang luôn xoáy sâu vào những vấn đề xã hội hiện nay với cái nhìn rất trần trụi và sâu sắc. Điểm Đến Của Cuộc Đời nói về hành trình trong suy nghĩ, cảm xúc, hành động của những người đang cận kề ranh giới sự sống – cái chết. Cuốn này làm mình nghẹt thở, và có những đoạn thật sự ám ảnh và chạm sâu đến cảm xúc.

Là một bác sĩ liên quan ít nhiều đến bệnh nhân ung thư, những câu chuyện được kể trong sách có sự gần gũi với con đường mình đã chọn. Để nhắc nhớ mình rằng, sự hiểu biết chuyên môn chỉ là một điều rất nhỏ rất bé trong cuộc sống này. Và để nhắc nhớ mình rằng, điều trị bệnh nhân không phải là điều trị căn bệnh mà còn là điều trị một người bệnh, trong tổng hoà của vô vàn thứ đan xen mắc xích với nhau.

Cái chết là một điều cấm kị mà nhiều người không muốn nhắc tới. Khi trong những năm tháng trẻ trung, tươi mới nhất của cuộc dời, những khao khát của ta là vô hạn. Dường như ta có thể tiếp tục chuyển động mãi trong guồng quay mới mẻ không ngừng của cuộc sống. Và không một ai nghĩ rằng mình-sẽ-chết.

Nội dung trong cuốn sách là một cái nhìn trực diện thẳng thắn vào cái chết, để làm quen, để ý thức rõ ràng hơn về thời gian tồn tại, để trân trọng và sống tỉnh thức hơn cho những điều thật sự quan trọng. Người từng học về cái chết là người giải phóng mình ra khỏi ràng buộc và kiểm soát. Học về cái chết là học về tự do.

Chuyện của Hà & Nam

Nam là con trai Hà, bị ung thư xương chày, phải cắt bỏ chân và mất khi 9 tuổi. Những đứa trẻ con, chúng ở ranh giới mơ hồ và không hiểu được tính vĩnh cửu của cái chết. Nam không hiểu được tận cùng của bệnh tật là sự chia ly. Nó nghĩ khi chết cũng có mẹ đi theo.

Hà sống trong gia đình có chồng nghiện rượu. Chị bị cho là có nghiệp chướng, đem tai ương về gia đình mình. Khi bị dồn vào đường cùng của số phận, tâm lí của người bệnh sẽ xin thử đủ phác đồ này phác đồ kia, bấu víu, tìm kiếm quay cuồng với lời hứa hẹn các ông thầy lang.

Không lời nào có thể mô tả nỗi đau mất con. Không giữ được con bên mình là sự chịu đựng quá lớn, bất lực bơ vơ, giá trị bản thân bị phá huỷ, cái tôi vỡ vụng, thất bại sâu sắc, nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai. Khi vợ chồng bạn chết bạn thành người goá, khi ba mẹ chết bạn thành mồ côi. Nhưng không có từ nào có thể diễn đạt khi con bạn chết.

Hiện tượng con sóng theo chu kì: cảm giác khốn khổ, bị nghẹt thở, hụt hơi, trống rỗng nơi vùng bụng, khó chịu căng thẳng, rã rời. Có những ngày như phủ một lớp tro. Mọi thứ đều gợi nhớ về kỉ niệm với đứa con (sân trường, gói xôi, cái cặp xách, cái chăn, lon coca,…). Chức năng gợi nhớ của facebook ngày này năm ấy làm những người mẹ mất con ruột gan tan nát. Khoảnh khắc đau đớn nhất là đám tang. Và hành trình chữa lành mới dần bắt đầu.

Chúng ta không thể biết trước được là mọi thứ sẽ không như vậy. Chúng ta không thể nhìn ra được. Sự thiếu vắng không có hồi kết. Sự đối nghịch hoàn toàn của trạng thái có ý nghĩa. Sự nối tiếp không ngừng nghỉ của khoảnh khắc ta đối mặt với trải nghiệm sự vô nghĩa. Có người không đối diện được và kết thúc cuộc đời mình.

Với tất cả đau đớn, điều gì khiến Hà bắt đầu quá trình chữa lành?

  • Hà vẫn tin có phép màu may mắn xảy ra trong cuộc đời mẹ con Hà.
  • Chị tìm được cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn trước mỗi hoàn cảnh.
  • Chị thấy may mắn trong mọi lúc là con chị không đau đớn, chị nhận được lời chào từ Nam.
  • “Em nghĩ là em được nhiều rồi, như thế là đã mãn nguyện lắm rồi”. Được yêu thương trong 10 năm là một ân huệ. Chị luôn cảm ơn đã có Nam trong cuộc đời. Chị hoàn toàn có thể chìm đắm trong cách trách móc về hoàn cảnh, oán trách gia đình, lẩn quẩn ao ước đủ tiền. Người ta không có tự do khi khước từ bất hạnh hay trốn chạy bi kịch nhưng có tự do chọn lựa thái độ trước những gì xảy ra. Hà đã lựa chọn tâm thế đón nhận chứ không phải đòi hỏi. Điều này khiến chị vượt qua được.
  • Chị kêu gọi cải thiện chất lượng bữa ăn cho bệnh nhi. Chị thấy gia đình chị may mắn hơn người khác. Tháng ngày chăm sóc con ở bệnh viện khiến chị học được cách chia sẻ yêu thương, học được cách sống vì người khác và trân quý hơn những gì mình có.
  • Chị tự thấy sự thay đổi của chị quá lớn so với trước khi con chị bệnh. Căn bệnh và cái chết khiến Hà thấm thía và cho chị cái duyên để chị làm việc khác. Đây là điểm tựa giúp chị đi qua bi kịch bằng cách xoa dịu nỗi đau người khác, cũng là cách chữa lành cho chính mình.

Những người đi qua thảm kich, lượm lặt những mảnh vụn cuộc đời mình, thay vì đặt mình vào vai trò nạn nhân thì đặt năng lượng và ý nghĩa sống vào việc làm có ích. Ý tưởng làm việc thiện, mong muốn giúp người khác có thể đến vào lúc người ta mất mát đau đớn nhất. Đừng phóng đại nỗi khổ của mình, cũng đừng phóng đại hạnh phúc của người khác. Buông bỏ nhưng không buông xuôi. Có những việc thuộc về số phận mình không thể kiểm soát được. Hãy buông đứa con ra, chấp nhận nó đã chết. Không kháng cự căm thù nữa. Điều cha mẹ mất con cần làm không phải quên đứa con, mà là sống với sự xa cách.

Ý nghĩa của cuộc sống là ngọn đuốc giúp mình vượt qua những giai đoạn đen tối nhất.

Chuyện của Liên

Căn bệnh ung thư của Liên đến lúc di căn. Sức khoẻ xuống nhanh chóng, cơ thể bắt đầu sụt cân không phanh, đau dữ dội và bắt đầu ngồi xe lăn.

Có nhiều việc làm của người ở lại để phục vụ cho chính mình chứ không phải người bệnh. Sự chịu đựng những tra tấn của chữa bệnh là nghĩa vụ của người bệnh để người khoẻ giữ lương tâm mình trong sạch.

Cần thay đổi cách ta hiểu về khái niệm anh hùng, khi quyết định cần chữa trị hay không? Chúng ta cần sự chiến đấu dũng cảm, anh hùng. Nhưng chúng ta cũng cần dũng cảm buông bỏ và chào tạm biệt.

Người gần đất xa trời cần hoàn thành một số việc, cho họ giá trị ý nghĩa, giúp họ chấp nhận. Những cuộc chuyện trò này đem đến cho bệnh nhân cảm giác làm chủ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người trẻ. Những câu sáo rỗng như “cố gắng lên”, “hết bệnh để còn đi chơi” chỉ là một sự hời hợt cho qua sự thật. Nhiều khi cái câu “cố gắng lên” làm người ta mệt lắm. Nó tước khỏi quyền được mệt mỏi, được khóc. Nó không ngừng đẩy người ta lên bục anh hùng. Để đến khi cái chết đánh úp tất cả mà không ai có thể nói lời thương yêu và thấu hiểu. Rốt cuộc là: Điều gì thật sự ý nghĩa để sống? Liên nói: “Với em là cuộc sống không bao giờ bỏ cuộc, em cố gắng để có được kết quả không thể nào tốt hơn. Nhìn nó, và rồi chấp nhận”. Và mối quan hệ tốt lành giữa người với người là điều nuôi dưỡng cho Liên.

Những suy nghĩ thầm kín nhất của con người không phải liên quan tới hôn nhân, tình yêu, quan hệ với bố mẹ hay con cái. Thậm chí không phải là tình dục. Sâu kín nhất, riêng tư nhất là những cảm xúc, suy nghĩ khi người ta đứng trước cái chết. Những bức thư của người lính trước trận đánh có sự riêng tư đó. Những tâm sự của người bệnh cuối đời là sự riêng tư sâu sắc tột cùng đó.

Sự hài hước là cơ chế tự vệ để người ta kéo mình ra xa khỏi cảm xúc sợ hãi.

Điểm chung trong tâm thế của Liên và Hà: may mắn. Người có lí do để sống thì có thể sống ở mọi nghịch cảnh. Người đã tìm được ý nghĩa cuộc đời thì có thể thanh thản đến với cái chết.

Chuyện của Vân

Tâm nguyện của Vân là hiến giác mạc khi mình qua đời. Nhưng ý nguyện đó bị đồn là bán nội tạng và cả gia đình đều phản đối và định kiến về chuyện đó. Có những khía cạnh trong văn hoá Việt Nam quan niệm rằng thân thể con cái thuộc về ba má, chết phải toàn thây, trần sao âm vậy. Cô giằng xé giữa nguyện vọng cuối đời và nỗi đau mà nó gây ra cho người thân.

Ai cũng muốn đem đến lợi lạc cho người xung quanh. Nhưng khi còn sống không phải ai cũng đủ nhân duyên để thành tựu được cái tâm niệm đó. Nhưng một việc có thể làm được là trao tặng cơ hội sống cho người khác nếu không may mình ra đi. Cảm giác mình có ích đem lại sự hài lòng và thỏa mãn rất lớn cho người sắp ra đi.

Ở giai đoạn cuối, trọng tâm của việc can thiệp không nằm ở việc chữa bệnh nữa, mà giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống cao nhất trong thời gian còn lại của họ. Ở các nước phát triển, có một nhóm gồm nhân viên xã hội giúp hỗ trợ nỗi lo tài chính, chuyên gia tâm lí tháo gỡ băn khoăn trong tâm tư tình cảm, giáo sĩ hay nhà sư giúp người bệnh có sự thanh thản tâm linh và tìm được ý nghĩa trong cái chết của mình. Bác sĩ và điều dưỡng đưa ra các biện pháp kiểm soát đau hay kiểm soát nhiễm trùng, khó thở hay nôn. Tất cả là để hướng đến a good dead – cái chết thanh thản nhẹ nhàng về thể xác, yên ổn về tinh thần. Ngược lại là cái chết trong đau đớn và khánh kiệt trong bóng tối, trong những lỗ hổng bất cập của hệ thống chăm sóc y tế. Ở Việt Nam, chuyên ngành này còn vô cùng hạn hẹp.

Kiểm soát đau được coi là quyền con người. Các nước phát triển chỉ chiếm 17% dân số thế giới nhưng tiêu thụ tới 94% tổng số thuốc giảm đau opioid. Trong khi khoảng 80% dân số thế giới thuộc diện nghèo. Hội chứng Opiophobia là sự ác cảm và sợ hãi với morphin gây nghiện vì cảm giác liên quan xã hội đen, tệ nạn từ sức ép truyền thông. Từ đó dẫn tới nguồn cung thấp để phục vụ mục đích y tế và đẩy mạnh nguồn cung bất hợp pháp với giá cao ngất ngưỡng. Có vô vàn những người nằm trong bóng tối gọi là hidden life. Việt Nam chưa đưa chăm sóc giảm nhẹ vào mạng lưới chăm sóc y tế cộng đồng. Trong khi những người có nhu cầu, những người bệnh giai đoạn cuối lại ở nhà. Nhu cầu morphin của Vân bắt đầu vượt quá lượng quy định được bán. Lỗi của Vân là đau quá mức quy định của nhà nước cho phép. Đọc tới đoạn này mình cười trong chua xót.

Cái nôi lật ngược thì thành nấm mồ. Sinh và tử, đều cùng bản chất, đều là hiện tượng vĩnh hằng của thiên nhiên. Đứng trước chúng, ta thấy khiêm nhường, không thể làm gì khác, chỉ có thể ngắm chúng, và ngợi ca tạo hoá.

Sự chết cho người ta cơ hội cuối cùng để lớn lên, để trưởng thành. Trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, người ta vẫn có thể đem đến cho những người xung quanh tình yêu thương. Để người ta có thể đến được cái chết thanh thản là khả năng bày tỏ lòng biết ơn và tình thương của người ra đi với người ở lại. Để cả người ra đi và ở lại khép lại một cách hoàn cảnh và trọn vẹn quan hệ của mình. Trước kia Vân không dám bày tỏ tình cảm của mình với mẹ, không ai hướng dẫn cho cô, nhưng tới cuối đời cô thay đổi. “Mẹ ơi, Mẹ ôm con đi. Mẹ nằm sát vô con đi. Mẹ ơi, con xin lỗi Mẹ. Con thương Mẹ lắm. Con thương thì con để ở đâu? Con để ở trong bụng”. Đoạn hội thoại này làm mình rơm rớm, tê tái luôn.

LỜI KẾT

Giá trị tối thượng của bệnh tật là dạy ta về giá trị sự sống. Ý thức càng rõ càng tập trung sống cho hiện tại, không để tâm trí mình đi lang thang. Đồng hồ tích tắc, thời gian có hạn giúp tôi nhận ra và tập trung vào những gì thật sự có ý nghĩa và cốt lõi. Trước cái đen trải dài phía trước của cái chết, các ưu tiên được sắp xếp lại, tôi điềm tĩnh và bình thản hơn trước các nháo nhác ngoài kia của xã hội.

Một cuộc đời trường sinh bất tử, là một cuộc đời vô nghĩa và vô vị. Thời gian không còn giá trị. Mọi quyết định không còn ý nghĩa. Chúng không bắt ta trả giá. Mọi động cơ lao động luôn sụp đổ vì cho chúng ta suy nghĩ luôn còn ngày mai. Giá trị cái chết là giục giã chúng ta sống một cuộc sống có ý thức.

Những trải nghiệm khốc liệt đã giúp họ hiểu được giới hạn của con người, hiểu được quyền uy của tạo hoá. Không ai lấy tay che được mặt trời. Không ai có thể kiểm soát và điều khiển được mọi thứ. Cái chết phá huỷ sự kiêu ngạo và khiến con người khiêm nhường. Những người đẹp nhất là đã nếm trải thất bại, khổ đau, vật lột và đã tìm con đường ra khỏi hố sâu. Ở họ có sự trân trọng, nhạy cảm, thấu hiểu đời khiến họ tràn đầy trắc ẩn, nhẹ nhàng và mối quan tâm thương cảm sâu sắc. Những người tuyệt đẹp không bỗng nhiên xuất hiện. Họ được tôi luyện.

Những người tôi gặp, tất cả sự khác biệt về học thức, tài sản, xuất thân, vị thế xã hội sụp đổ. Chúng tôi ngang hàng, bình đẳng về quyền lực. Chúng tôi giống nhau về việc đều nằm trong vòng xoay sinh tử. Đó là những gặp gỡ trong tự do, không bị vướng bận các ràng buộc. Vừa xa lạ vừa gắn nhau trong tình huống gọi là tình huống giới hạn. Là những khoảnh khắc mà tâm trí con người phải đối mặt với những hạn chế và sự nhỏ bé của sự tồn tại, qua đó đạt được một tầng nhận thức mới.

Tôi bỗng thấy thời gian co thắt lại. Tôi biết rõ những ngày tháng này chỉ là cái chớp mắt trong lịch sử. Cái thành phố tuyệt đẹp mà tôi đang thấy chỉ là một lát cắt trong sự tiếp nối vĩnh cửu của một thịnh vượng và suy tàn, của xây cất và sụp đổ. Không có gì mãi mãi, biến dạng chuyển hoá nối nhau không ngừng nghỉ. Những lo toan của tôi mới nhỏ bé làm sao.

Hãy nhớ mi sẽ chết!

Đọc xong cuốn này, mình lại có thêm động lực để nghĩ về việc tự nguyện hiến mô, bộ phận trên cơ thể sau khi chết.

CUONG TRAN

Ocha-Tokyo, 23.10.2020

Photo by David Monje on Unsplash

Posted by

Chào bạn, mình là Cường. Đây là nơi mình tự do lưu giữ vài hành trình trong cuộc sống. Hy vọng bạn cùng chia sẻ, và tìm được cái gì hay ho, bạn nha.

2 thoughts on “[BOOKNOTE] Cái chết giống như mặt trời, không ai có thể nhìn vào nó quá lâu

  1. Cảm ơn vì bài viết đã gọi tên được những cảm xúc em từng trải qua ạ.
    Em đã đọc từ từ và tiêu hóa từng bài viết của anh trong thời gian rảnh của hai hôm rồi hihi.
    Không phải vì em đang gặp vấn đề ở thời điểm hiện tại, mà là những lần đối diện và điều khiển cảm xúc ở quá khứ, vượt qua nó, và bây giờ ngồi đọc những bài viết của anh, em chợt tủm tỉm mỉm cười, thì ra mình đã dũng cảm đấy chứ ^^ Thương những ngày đã qua vì cho em cảm giác an yên hơn, ngồi gần lại với mình hơn chút.
    Có những góc nhìn của anh em chưa từng thấy, nhưng nó giúp em nhìn mọi thứ thêm vài điểm thú vị hơn!
    Túm lại, mong anh thật nhiều sức khỏe và bình an.

    10:11 am 14/11/20 trong cái chút se lạnh của Sài Gòn.

    1. Đọc chia sẻ của em, anh thấy cũng ấm áp :D. Sẽ có nhiều chuyện trong cuộc sống mình phải đối diện, thấu hiểu và vượt qua. Mình cứ quan sát, ghi nhận cảm xúc mỗi ngày để dần bình an với chính mình em hen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *