Đi xem kịch là một trong những hoạt động mình thích nhất khi ở Sài Gòn.
Vở đầu tiên mình được dẫn đi xem là “Hợp Đồng Mãnh Thú”. Mình mê thiệt mê, đến nỗi sau đó đi xem lại vở này chắc cũng không dưới 5 lần nữa. Ở Sài Gòn, có nhiều sân khấu kịch, nhưng mình thường gắn bó với các vở ở Idecaf nhất. Idecaf là nơi mình được đi xem kịch đầu tiên. Cái gì đầu tiên dễ để lại ấn tượng và ảnh hưởng đến sự lựa chọn sau này lắm :D. Các vở diễn đa phần ở sân khấu trên đường Lê Thánh Tôn, có khi ở Trần Cao Vân, hoặc ở nhà hát Bến Thành.
Mình thích sự đúng giờ của sân khấu kịch. Nếu xem vở 20 giờ, thì trước đó cỡ 5 phút sẽ có tiếng chuông thông báo để mọi người tranh thủ vào rạp, an tọa và chuẩn bị thưởng thức vở diễn. Còn sau giờ đó, cổng chính sẽ đóng, ai đi trễ phải đi vào bằng cửa sau. Đi xem kịch là phải đi đúng giờ. Vì vào trễ dễ ảnh hưởng đến tâm lí diễn viên, rồi còn tạo sự khó chịu cho những người khác khi phải chui chui chen chen vào chỗ ngồi nữa :p.
Mình thích nhìn sự biểu cảm sinh động trên mặt của diễn viên, điều có lẽ khác so với đi xem phim rạp. Đôi khi trên nền nội dung của vở kịch, diễn viên còn thêm thắt vài yếu tố thời sự nóng hổi vào nữa. Cho nên cùng một vở mà đi xem những lần khác nhau, cũng là một sự trải nghiệm thú vị khác.
Mình thích sự tung hứng, tương tác giữa diễn viên và khán giả. Kể cả cái cách mà diễn viên ứng phó nhanh với những tình huống bất ngờ xảy đến. Có lần trong vở nọ, chị Lê Khánh chỉ bị lọt vô cái thùng rác. Mình tưởng giỡn, ai dè là thiệt. Nhìn chỉ đau đớn lắm, còn khán giả bên dưới cứ nắc nẻ ôm bụng mà cười không dừng nổi.
Mình thích những ý nghĩa đằng sau tiếng cười tâm lí. Xem kịch thì có lúc vui lúc buồn, lúc cười lúc xúc động. Có người thì chỉ thích cười ha hả cho thoải mái đầu óc rồi thôi. Mình cũng thích cười, nhưng cười rồi phải có cái gì đọng lại, phải có dư vị để mình còn suy ngẫm về nó một chút chút.
Mình thích cả cái không khí lúc 11 giờ đêm sau vở diễn. Đói bụng, lượn một vòng quanh Sài Gòn, kiếm một hàng quán vỉa hè nào rồi xì xụp một tô phở hay bún mì gì đó. Vậy thôi mà vui vui. Nhớ cái không khí Sài Gòn buổi đêm quá chừng chừng.
Nhưng không phải vở kịch nào cũng hay. Xem về rồi, vở nào hay mình sẽ còn suy nghĩ về nó vài ngày sau đó nữa, rồi viết lại vài thứ đáng nhớ. Tổng hợp lại một số điều về các vở kịch mình từng xem lúc còn ở Sài Gòn nè.
CON TÁM CON CẤM (6.12.2012)
Những câu chuyện cổ tích lúc nào cũng mang tính giáo dục nhưng sự giáo dục đó cũng chỉ để đáp ứng những nhu cầu tâm lý thuộc về thế giới tưởng tượng của trẻ con.
Khi lớn lên rồi thì những câu chuyện cổ tích lại được nhìn nhận khác đi nhiều chút. Cái thiện cái ác không chỉ đơn thuần là chiến thắng hoặc bị tiêu diệt mà nó được nhìn nhận dưới một góc độ “thực” hơn. Ví dụ như trong câu chuyện Tấm Cám, Tấm là một người hiền lành nhân hậu nết na nhưng những hành động trả thù như khi nói với Cám “Kẽo cà, kẽo kẹt. Dám tranh chồng chị. Chị khoét mắt ra”. Hoặc sau khi làm Hoàng Hậu, Tấm đã âm mưu giết hại Cám bằng cách dụ Cám tắm nước sôi, chặt thành 8 khúc làm mắm gửi cho dì ghẻ ăn thì hình ảnh đại diện cho cái thiện đó liệu có cần được nhìn nhận lại không? Dĩ nhiên rằng chúng ta cũng cần phải nhìn nhận đâu là câu chuyện cổ tích và đâu là câu chuyện của đời thực. Và những câu chuyện cổ tích ấy dù xét kĩ nó có “hoang đường” đến đâu thì vẫn không thể có gì thay thế được trong việc giáo dục trẻ con.
Vở kịch là một cái nhìn hoàn toàn trái ngược về câu chuyện cổ tích Tấm Cám với việc hoán đổi tính cách nhân vật cho nhau. Tấm thì đanh đá thủ đoạn, Cám thì hiền lành chân chất, dì Ghẻ thì hết lòng thương con. Nói chung kịch khá nhẹ nhàng không gì hại não, xem nhiều đoạn cười ngặt nghẽo nhưng mà thấm thía, nhất là vai diễn ông Bụt của Thành Lộc rất hài hước và rất sâu sắc.
“Con nên nhớ rằng muốn đội được vương miệng trên đầu thì con cần phải có cái đầu“.
TÍA ƠI MÁ DÌA (29.12.2012)
“Tía Ơi Má Dzìa” mang đậm nét chân chất miền Nam Bộ nhưng không kém phần nhân văn, hài hước.
Xem xong lần này mình lại có thêm 2 fan ái mộ nữa là Đại Nghĩa và Phi Phụng – 1 cặp bài trùng tung hứng trên sân khấu đưa khán giả hết cái đau bụng này tới cái đau bụng khác. Mỗi lần không khí lắng đọng nghẹn ngào muốn chảy nước mắt là như được 2 người tung hứng cho bay tuốt tận mây luôn, cười nghặt nghẽo đau bụng gì đâu. Còn Xuân Thùy trong vở Con Tám Con Cấm và Sát Thủ Hai Mảnh mình cảm giác đơ đơ sao đó thì trong vở này khá là tự nhiên và nhập vai. Phương Dung thì vào vai bà mẹ đanh đá khinh người hợp dã man, nhất là khúc cuối quay lại tạ tội với gia đình ông Tư Chơn mà hài muốn té ghế luôn trong khi diễn cứ tỉnh ruội.
Còn về nhạc kịch đậm chất Nam Bộ, những câu hò buồn man mác hay mê ly. Có khá nhiều cảnh mình thật sự ấn tượng. Thứ nhất là cảnh Thành Lộc (trong vai ông Tư Chơn) ngồi tưởng nhớ vợ độc thoại một mình. Sân khấu lúc đó chỉ có hai ánh đèn một bên là ông Tư Chơn, một bên là chiếc áo dài cưới của người vợ vắt trên ghế. Cảnh ông Tư lúc độc thoại lúc trò chuyện với người vợ tưởng tượng qua chiếc áo cưới, lúc cười lúc khóc, lúc hạnh phúc lúc đau đớn tột cùng với những câu hò não lòng buồn não ruột, ôi thôi nhập tâm gì đâu luôn rồi. Thứ hai là cảnh lúc hai vợ chồng gặp lại nhau, ông Tư Chơn với bao cảm xúc ngổn ngang đối lập nhau cầm cái áo đưa cho người vợ, xong rồi đẩy nhẹ về phía vợ kèm theo mấy câu: “Mười năm áo cũ còn hương. Mười năm hóa đá vọng thương người về. Mười năm mờ mịt hồn quê. Chờ nhau chi nữa, trả câu thề cho tui!”. Cái hành động đẩy nhẹ chiếc áo về phía người vợ, cái gằng giọng lúc nói “trả câu thề cho tui” rồi quay ngoắt lưng bỏ đi làm mình ấn tượng và phê tê tái.
Có lẽ mình đã yêu kịch Sài Gòn mất rồi. Yêu cái sự diễn xuất tài tình mà sâu sắc, nhiều suy nghĩ. Dù có bận rộn cách mấy thì chắc chắn rằng sân khấu kịch sẽ luôn là một phần trong cuộc sống tinh thần của mình.
TRÁI TIM NHẢY MÚA (7.1.2013)
Vở chính kịch đầu tiên đọng lại nhiều cảm xúc và suy ngẫm về gia đình với nội dung nhẹ nhàng, sâu sắc và mang hơi hướng của nhạc kịch. Mỗi thể loại lại có một cái hay riêng, hài kịch thì cười nhiều hơn còn chính kịch thì nghĩ nhiều hơn. Mình không đề cao tính giải trí đơn thuần nên thích cái gì vừa hài vừa đọng lại gì đó trong đầu.
Lần này diễn viên mình thích nhất Lê Khánh, tự nhiên và rất có duyên. Thích chị từ khi xem phim Cô Dâu Đại Chiến rồi kịch Sát Thủ Hai Mảnh mặc áo dài và bikini cực quyến rũ. Thích nhất là câu “Đừng vì một phút hưng phấn mà để cả đời phải hứng phân”. Sau chú Thành Lộc thì Lê Khánh là một trong những diễn viên mình đưa vào tiêu chuẩn xem xét có nên đi xem vở kịch nào đó hay không. Chú Thành Lộc trong vở này đóng một vai trò không nổi bật lắm, cũng là hình tượng một ông bố với nhiều nỗi dằn vặt trong lòng phảng phất trong vở Tía Ơi Má Dzìa. Mình vẫn thích Thành Lộc với vai diễn trẻ trung, nhí nhảnh hơn là vai già chững chạc. Tuấn Khải trong vở này cũng là một vai khá đểu như trong Hợp Đồng Mãnh Thú nhưng khác một điều là sâu thẳm trong lòng vẫn là một đứa trẻ tốt bụng và khát khao tình thương. Tuy vậy mà mình thấy Tuấn Khải không đem đến điều gì nổi bật và ấn tượng vì cách diễn, lời nói và hành động vẫn không thoát khỏi cái bóng Hợp Đồng Mãnh Thú. Lương Thế Thành lần này với nhiều phân cảnh khá là cảm xúc và đấu tranh nội tâm. Hoàng Trinh thì vẫn là hình tượng đó giờ mình thấy trong phim truyền hình cũng như mấy vở trước – vai diễn mang nhiều tâm sự lấy nước mắt khán giả nhưng có lẽ chị thích hợp với nét tính cách đó nhất hơn là những vai hài. Nhất là có cảnh trong mơ lúc đứa con mồ côi gặp lại mẹ đang rao bán chè đã lấy của mình vài giọt nước mắt. Đây là lần đầu mình khóc khi đi xem kịch.
Về cách dựng cảnh thì mình ấn tượng nhất cảnh người cha gọi về cho đứa con. Sân khấu lúc này phủ kín bằng một tấm vải trắng, một bên là gốc cây khô cằn trơ trọi, một bên là song cửa sắt. Gió thổi ào ào, hai ánh đèn hiu hắt, cuộc trò chuyện giữa một bên là sự ăn năn hối hận của người cha già và nỗi lòng căm giận, đấu tranh nội tâm của đứa con toát lên một không gian vô cùng cô đơn lạnh lẽo. Hơn nữa chi tiết bé Xàng (Lê Khánh) nếu là con ruột của ông Trung (Thành Lộc) thì lại quá tầm thường và nằm trong tầm suy luận của người xem. Chính vì không phải là con ruột (trong khi bé Xàng vẫn nghĩ mình là con ruột) mà ông Trung nhận làm con để không làm vỡ tan ước mơ của cô bé mới làm nên sự tinh tế, nhân văn của vở kịch. Cũng liên quan đến chi tiết đó là thằng Bồng (Tuấn Khải) dù biết không phải con ruột nhưng vẫn tự nhận ông Trung là ba cũng là một chi tiết hay không kém. Dưới sân khấu lúc này mọi người ngồi cười khúc khích vì sự mạo nhận đó nhưng mà cảm xúc lúc thằng Bồng thổ lộ tâm tư với ông Trung một hồi lâu rất thật, rất xúc động. Một đứa trẻ dù sống trong hoàn cảnh nào thì trong sâu thẩm vẫn thèm khát cháy bỏng tình yêu thương của một mái ấm gia đình, và đó mới chính là tính cách thật của thằng Bồng ẩn bên ngoài là những lời nói, hành động hung dữ. Mình nghĩ đây là cảnh mà Tuấn Khải diễn hay nhất.
HỒN BƯỚM MƠ ĐIÊN (20.2.2013)
Một trong những vở kịch Tết năm nay của Idecaf. Mình chỉ muốn tóm gọn trong vài từ: vui nhộn phù hợp với không khí Tết. Bởi thế nếu ai đặt quá nhiều kì vọng về yếu tố nội dung và nghệ thuật chắc sẽ đôi chút thất vọng. Cười thả ga, xả stress. Đơn giản vậy thôi.
Lần đầu tiên xem kịch ở nhà hát Bến Thành. Không gian lớn hơn có vẻ chỉ phù hợp với mục đích lượng khách đông đi xem kịch Tết, còn lại không gian hơi loãng, không ấm cúng và gần gũi như sân khấu Idecaf hay Trần Cao Vân. Về diễn viên thì Thành Lộc, Lê Khánh là 2 diễn viên gạo cội của Idecaf chưa bao giờ làm mình thất vọng. Đã vài lần xem kịch thấy sự cố trên sân khấu và mình đã từng 2 lần thấy Lê Khánh ứng biến rất là tự nhiên và dí dỏm, biểu sao không thích chị ấy sao được hehe. Còn diễn viên trẻ như Thanh Vân lần này đóng vai chính hơn những vở khác cũng khá là tự nhiên nhưng thấy chị ấy có duyên với những vai gì khùng khùng điên điên hơn.
XÓM VỊT TRỜI (19.3.2013)
Vở kịch có nội dung khá sâu sắc đánh vào tư tưởng trọng nam khinh nữ của một lớp người trong xã hội chứ không hẳn đơn thuần là tiếng cười giải trí. Câu chuyện xoay quanh một Xóm Vịt Trời chỉ sinh ra toàn con gái và những định kiến đánh giá thấp vai trò những người phụ nữ, đề cao thái quá người đàn ông trong xã hội. Mình thích nhất là đoạn kết, khi nhân vật nữ chính sinh bé gái thì ông chồng không còn thất vọng, cắn rứt như trước nữa mà đã là sự giác ngộ, nhận thức về vai trò quan trọng của người phụ nữ. Đó là tính nhân văn trong vở kịch. Tình tiết bất ngờ tiếp theo là sinh đôi thêm một bé trai càng làm tăng thêm giá trị của vở kịch, hóa giải mọi định kiến cổ hũ.
Có một câu nói mà mình cũng thấy rất hay: “Đàn ông thì thích ngủ với nhiều phụ nữ…nhưng lại không thích sinh ra nhiều con gái”.
Nói đi cũng phải nói lại, tuy tiếng cười của vở kịch chủ yếu là từ nhân vật đồng tính do Đình Toàn đóng nhưng mình thấy việc rất nhiều vở kịch lạm dụng thế giới thứ ba để mua vui thì có vẻ hơi quá lố rồi thì phải.
Nói chung, là một kịch đáng xem và thấy những người phụ nữ quanh ta thật tuyệt vời.
BÔNG HỒNG CÀI ÁO (5.8.2013)
Lần đầu tiên đi xem kịch nói và còn xem suất diễn đầu tiên nữa. Vở này được chú Vũ Minh dựng lại từ kịch bản do NSND Kim Cương chuyển thể, đã từng là một tác phẩm kinh điển và thành công nhất của Kim Cương 30 năm trước. Mô tuýp kịch cũng bình thường nhưng nội dung vẫn không hề cũ: công ơn trời biển của đấng sinh thành và hiếu hạnh của con cái.
Ở vở này mình muốn nói đến chị Hoàng Trinh đóng vai người mẹ mà Kim Cương đã in sâu đậm tên tuổi. Đúng là chục lần xem thì chục lần chị cũng toàn đóng vai diễn đi vào lòng người và lấy nước mắt khán giả, nhưng có lẽ chị hợp nhất với những vai diễn như thế. Và lần này chị đã lấy được nước mắt của mình, nói ra xấu hổ quá nhưng mà thật sự là có nhiều lúc chị diễn xuất thần lắm. Kế nữa là chị Quỳnh Trâm – một diễn viên trẻ để lại không ít ấn tượng, mình bắt gặp hình ảnh của Lê Khánh trong cách diễn của chị nhưng xét về độ điên mà có duyên thì vẫn thích chị Lê Khánh hơn. Hữu Châu thì trăm lần xem cũng trăm lần chú đóng vai gì phải có chửi thề. Thành Lộc thì vở này không ấn tượng lắm.
Nói chung là vở kịch ý nghĩa và sâu sắc rất đáng xem. Xem xong ngẫm lại Vu Lan này mình vẫn còn được cài một bông hồng lên ngực áo. Hãy trân trọng những gì đang có.
HÃY KHÓC ĐI EM (25.5.2014)
Lần đầu tiên mình xem ở hoàng thái thanh. Và có lẽ là lần duy nhất cho đến giờ. Vở này ám ảnh vì nỗi đau tột cùng.
Xin dành sự im lặng và dấu chấm lửng cho cảm xúc này.
“hãy khóc đi em
có còn gì
tình đã mất đường về”
BÍ MẬT VƯỜN LỆ CHI (23.10.2014)
Một trong những vở tâm đắc nhất mình từng xem. Một bản bi hùng ca nặng về thị giác và thính giác, từ thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc đến trang phục hòa quyện với tổng thể câu chuyện chặt chẽ và diễn xuất tuyệt vời. Vở kịch khắc họa cuộc đời số phận của Nguyễn Trãi và cái chết oan khuất của ba đời nhà ông. Vai diễn này khá nặng kí do chú Hữu Châu đảm nhận mình rất rất ấn tượng, nhất là chất giọng thể hiện khi vạch trần bộ mặt của Tạ Thanh và thái hậu Nguyễn Thị Anh làm mình nín thở đến sung sướng. Còn vai Tạ Thanh của chú Thành Lộc làm mình “say” nhất cái kiểu cười, đến rùng rợn.
Màu sắc chủ đạo trong phông màn lẫn phục trang nhân vật là hai màu trắng đen toát lên không gian u ám của tham vọng quyền lực đồng thời cả sự bất lực, tang tóc đè nặng lên mỗi con người.
Cái kết của vở kịch phần nào đem lại một lời giải thích cho thảm án năm xưa: mọi bí mật có thể sẽ bị vùi lấp vĩnh viễn, nhưng nhân cách con người thì vĩnh viễn không thể bị lấp vùi.
Lời thoại vang vọng từ nhân vật Nguyễn Thị Lộ trong vở kịch: “Con thú có thể cắn chết con người, nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị chết vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức con người”.
CẦN AI ĐÓ ĐỂ YÊU THƯƠNG (8.3.2015)
“Hạnh phúc là có việc đó để làm, có ai đó để yêu thương và có gì điều gì đó để hy vọng”
Vở kịch Tết đầu tiên trong năm nay mình xem. Nội dung nhẹ nhàng, không nặng nề bi lụy theo kiểu chính kịch và truyền tải được nhiều ý nghĩa nhân văn. Tiếng cười tâm lí được chuyển thể thành tiếng cười sinh lí qua sự diễn xuất tài tình của các diễn viên mình rất thích như Đại Nghĩa, Phi Phụng. Đặc biệt là Lê Khánh vẫn là cái duyên trời phú với những câu nói khó đỡ mình chỉ biết ôm bụng mà cười. Cách dẫn dắt nội dung qua người dẫn truyện là Đình Toàn cũng là một nét mới và rất duyên. Mình rất thích cách dàn dựng và chuyển cảnh sân khâu trong vở này, kể cả âm nhạc trong từng cảnh diễn cũng góp phần nâng niu mạch cảm xúc.
Nhìn chung, một vở kịch hay, nhẹ nhàng mà sâu sắc
SƠN CA KHÔNG HÓT (5.4.2015)
Đây là một trong những vở kịch rất đắt giá vì đã đưa cảm xúc lên tới đỉnh điểm và vỡ òa bởi giá trị nội dung nhân văn, sâu sắc. Mình thấy rất tâm đắc và “phê” khi vở diễn đã hạ màn. Riêng vở diễn này, mình chỉ muốn nói đến diễn viên. Vẫn là 2 trụ cột gạo cội của Idecaf là chú Thành Lộc và chú Hữu Châu. Và câu nói đắt giá đỉnh điểm nhất của chú Hữu Châu sau tất cả những dòng cảm xúc chảy xuyên suốt đến cuối vở kịch: đừng để những khổ tâm, đau đớn của mình phiền muộn đến những người mà mình thật sự yêu thương, hãy biết giấu nó vào lòng và cứ mỉm cười (xin lỗi chú, giờ đọc lại, mình xin phản bác hoàn toàn suy nghĩ này của chú haha). Cảnh cuối là cảnh giá trị nhất, cảm động nhất và tinh tế nhất. Cái tinh tế còn thể hiện ở tiếng “Ba” của nữ vai chính Tường Vi nghẹn ngào vang lên rồi chạy đến ôm chằm lấy chú Hữu Châu đã hóa giải tất cả khuất mắt, cao trào của vở kịch.
Đây là lần đầu tiên mình ngồi ngay hàng ghế đầu, thấy tận từng nét mặt biểu cảm của diễn viên.
DẠ CỔ HOÀI LANG (2.7.2015)
Vở bi kịch kinh điển u ám và bế tắc.
Nội dung bao trùm lên toàn bộ vở kịch là nỗi lòng tha hương ở xứ người của 2 nhân vật ông Tư (Thành Lộc) và ông Năm (Hữu Châu) trong bối cảnh những năm 1980 sau sự kiện lịch sử 1975. Sự tha hương trong vở này thương tâm bi thảm đến tận cùng ngóc ngách của cô độc và mất mát, ngay trong chính nơi tưởng chừng là “gia đình”. Tha hương ở đây nó còn lấp lửng như là một cái giá phải trả cho những hành động sai lầm trong quá khứ. Nhưng tha hương của ông Tư không phải bị quê hương chối bỏ mà ngược lại chính là nặng lòng với quê hương, điều mà những người thân thuộc của ông đều ra sức phũ nhận. Vở kịch được đẩy lên tận cao trào với cái nút thắt không thể tháo được đến bất lực không thể vãn hồi. Bài hát Dạ Cổ Hoài Lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu ý nghĩa đến ám ảnh bởi từng ca từ được chú Thành Lộc xướng lên không nhạc đệm với cách gằng giọng, nhấn nhá thật da diết.
Tuy là một vở kịch kinh điển nhưng không hiểu sao cảm xúc của mình không được đẩy lên đỉnh điểm lắm. Chắc có lẽ là thế hệ sinh sau đẻ muộn nên chưa thể thấm hết được những cung bậc cảm xúc như vậy. Bởi, có hiểu thì mới thương, mới thông cảm. Và tha thứ.
TIÊN NGA (12.2.2018)
Một vở nhạc kịch thuần Việt tuyệt vời đáng thưởng thức.
Tiên Nga hay chính xác hơn là Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên. Câu chuyện chuyển thể từ tác phẩm Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Tuy nhiên đối với mình, Kim Liên mới chính là lớp diễn đặc sắc của cả vở kịch, vốn là nhân vật mờ nhạt trong truyện thơ. Sau các vở diễn vang dội như Bí Mật Vườn Lệ Chi, Ngàn Năm Tình Sử,…thì đây tiếp tục lại là một vở diễn có tâm, có tầm, xứng đáng thưởng thức một lần trong đời (và muốn coi thêm nhiều lần nữa). Những gì xuất phát từ cái tâm chân thành, chỉnh chu cần được trân quý, tri ân và lan toả đến cho những con tim cùng nhịp đập. Đạo diễn là chú Thành Lộc và màu sắc của các diễn viên gạo cội khác không lẫn đi đâu được, âm nhạc chú Đức Trí quá tuyệt vời với dàn nhạc hát live xuyên suốt vở kịch. Những nhân vật trong trang sách mà mình không bao giờ cảm được trong giờ tập làm văn hồi nhỏ, bước ra sân khấu một cách sống động lạ kỳ.
Lịch sử là nước ta đã phải trải qua nhiều đau thương, mất mát trong các cuộc chiến bảo vệ hoà bình, độc lập. Nhưng cái mình thực sự đồng cảm từ vở kịch chính là Trung–Hiếu–Tiết–Nghĩa, là lòng yêu nước, khát vọng hoà bình, sự sắt son chung thuỷ. Trên hết, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mới chính là điểm nhấn quan trọng của Tiên Nga. Mình nghĩ tới Bà, Mẹ và những người phụ nữ xung quanh mình.
Tiên Nga kết thúc trong cảm giác hơi đột ngột. Vì những triết lý, nhắc nhở, chiêm nghiệm chưa kịp thấu cảm hết bởi sự kỳ diệu của ngôn ngữ nhạc kịch, cứ phải ngẫm đi nghĩ lại để thấm, một cách rất từ từ.
Đi thật xa Sài Gòn, không biết mình nhớ những gì. Nhưng hôm nay chợt nhận ra, có lẽ là từ những điều như thế này.
Ocha-Tokyo, 01.09.2020