Mình đã tối ưu hóa thời gian như thế nào?

Một trong những resolutions cho 2020, mình đã cải thiện và nâng cao kỹ năng quản lí thời gian cho bản thân. Không chỉ gói gọn trong thời gian làm việc, học tập mà cả những khoảng thời gian khác từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ. Một khía cạnh nào đó, mình trở nên có kỉ luật, nguyên tắc với chính bản thân mình và những thứ xung quanh hơn. Hôm trước bạn mình nói sống ngăn nắp quá thường không thông minh và không sáng tạo. Nhưng mình hoàn toàn có cảm nhận khác rất rõ ràng. Mọi suy nghĩ trong cuộc sống mình trở nên gọn gàng, tinh giản hơn rất nhiều. Mình có ý thức rõ ràng về thời gian, tạo ra khoảng không để mình sáng tạo, suy nghĩ những điều hay ho. Mình có thể sắp xếp nhiều công việc trong một khoảng thời gian. Mình biết chính xác những thứ tự ưu tiên, lúc nào rảnh hay bận để linh hoạt điều chỉnh khi có những sự kiện ngoài ý muốn xảy ra. Và mình còn có thể lưu lại chi tiết cuộc đời mình cho việc viết journal mỗi ngày nữa. Mình hoàn toàn thấy cuộc sống có sự dịch chuyển theo hướng ý nghĩa và tích cực.

Với mình, bản chất của quản lý thời gian chính là quản lý năng lượng. Năng lượng nằm ở 3 khía cạnh thể chất (body), tâm trí (mind) và tinh thần (spirit). Ăn uống, vận động, ngủ nghỉ tác động không nhỏ đến năng lượng thể chất, từ đó ảnh hưởng luôn khả năng tập trung và quản lý cảm xúc. Và nếu hệ thống giá trị và niềm tin của bản thân chưa đủ vững, cuộc sống dễ rơi vô vòng lặp của sự mệt mỏi và rắc rối.

Trung bình ở một người trưởng thành bình thường, bộ não chỉ chiếm 2% trọng lượng nhưng tiêu thụ đến 20% lượng oxy và calories của toàn bộ cơ thể (Raichle). Trong trường hợp của mình, tính theo các chỉ số cơ thể thì mức năng lượng nền cơ bản mỗi ngày là 1652kcal. Như vậy mình sẽ sử dụng trung bình 330kcal mỗi ngày cho các hoạt động chuyển hóa và suy nghĩ của bộ não (tương đương gần 2.4 chai Coke 330ml). Và trong hoạt động suy nghĩ của bộ não, có một khái niệm gọi là decision fatigue. Nghĩa là sự suy giảm khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn và sáng suốt khi phải liên tục đưa ra nhiều quyết định dù nhỏ hay lớn trong ngày. Hầu hết thời gian ta thường đưa ra những quyết định cảm tính và chóng vánh. Khi lưỡng lự, phân vân trước những lựa chọn quá nhiều, tâm trí dễ trở nên mệt mỏi, và có xu hướng đưa ra những quyết định không lành mạnh, đúng đắn và thiếu lý trí. Dễ hiểu hơn, có một câu hỏi mà mình chắc chắn ai cũng đối mặt mỗi ngày kiểu như là “Hôm nay ăn gì?”. Và nhiều lúc, mình cũng mệt mỏi để tìm câu trả lời cho câu hỏi tưởng chừng đơn giản đó. Và xu hướng đưa ra những quyết định không được lý trí cho lắm thường vào khoảng thời gian cuối ngày khi cơ thể ở trạng thái không còn nhiều năng lượng nữa. Là một người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người như mình, thì decision fatigue có tác động không nhỏ tới những quyết định liên quan đến bệnh nhân (Persson).

Vì vậy, khi có một kế hoạch rõ ràng trong ngày, mình sẽ bớt thời gian và tâm trí để suy nghĩ cần phải làm gì hay lưỡng lự với nhiều lựa chọn. Đây là một cách để “dự trữ năng lượng”, giảm thiểu số lần phải quyết định điều gì đó trong ngày xuống, và dành năng lượng cho những quyết định quan trọng hơn. Từ đó giảm ảnh hưởng không tốt của decision fatigue.

MAKE TIME FOR WHAT YOU LOVE AND CARE

Mình sử dụng Reminders có sẵn của iOS để ghi lại những lưu ý và công việc cần làm. Nhưng điểm mấu chốt ở đây là nếu những điều này chỉ dừng lại ở đó, thì mình sẽ không biết được việc này cần làm và hoàn thành vào lúc nào, từ đó dẫn đến sự trì hoãn (procrastination). Mình từng viết về procrastination ở bài Learning How To Learn and Mindshift. Vì vậy, mình chuyển những việc cần làm trong Reminders thành các khoảng thời gian để hoàn thành trong Calendar. Các mục nhỏ trong Calendar, mình chia thành nhiều màu sắc khác nhau, tùy theo tính chất của việc đó. Bạn có thể đọc thêm chi tiết cách mình Ứng dụng tâm lý học màu sắc vào học tập & làm việc.  Khi đã “thói quen hóa” được kế hoạch làm việc thì thật sự không cần phải có bước lập kế hoạch trong Reminders quá nhiều nữa đâu. Nhưng đó là cách dễ nhất để bắt đầu từng bước một.

Trong giao diện của Calendar, có thể xem theo Day, Week, Month hay Year. Hồi mới qua Nhật tháng 10.2017, lịch của mình khá trống như hình bên dưới.

Xem theo Year, thì năm 2017 mình không sắp xếp công việc nhiều trên Calendar. Và càng dày đặc nhiều màu hơn đến hôm nay là 28.07.2020.

Trong năm nay thì lịch của mình như hình bên dưới, khác hoàn toàn so với tháng 10.2017.

Chi tiết lịch của một tuần trong tháng 6.2020. Ban đầu khi lên plan, thì mọi thứ rất là ngay hàng thẳng lối. Sau khi trải qua một tuần, thì có sự điều chỉnh thực tế như hình bên dưới.

DEEP INSIDE MYSELF

Tuy nhiên, mình không muốn thần thánh hóa hay có góc nhìn cực đoan một chiều về điều gì. Việc sắp xếp cuộc sống tuy đem lại nhiều lợi ích tích cực, nhưng cũng có những điểm mình cần cải thiện để có sự cân bằng tốt hơn.

Mình từng có nhiều lúc cảm thấy quá tải vì đã push bản thân quá mức trong khuôn khổ và kỉ luật. Có những lúc mình đối mặt nhiều với cảm giác boring vì những điều lặp đi lặp lại hàng ngày. Và hơn nữa, mình là một đứa có sự cầu toàn và kỳ vọng cực kì cao. Và điều đó đã đẩy mình vô trạng thái tụt mood khá nhiều lần. Nhưng điều mình nhận ra rằng, mình không cần phải hạ kì vọng của mình xuống để không đối diện với sự thất vọng. Mình càng không cần điều chỉnh lại tiêu chuẩn để tránh cảm giác khó chịu. Mình hãy giữ sự cầu toàn và chỉnh chu trong những việc mình làm. Vấn đề là cách mình đối diện, thấu hiểu và vượt qua những cảm xúc xấu xí đó như thế nào. Chẳng phải là mình sẽ có tự do hơn là việc không dám làm và trốn tránh hay sao? Mình nhận ra rằng có rất nhiều khoảng thời gian, mình đã xếp lịch full cả tuần mà không có thời gian nghỉ ngơi thật sự cho bản thân. Mình đã ác dễ sợ. Thế là mình quyết định dành 1 ngày lazy day để tạo ra khoảng không cho bản thân, và làm bất cứ điều gì mình muốn. Và mình cảm thấy cân bằng hơn rất nhiều, để vừa giữ được lối sống gọn gàng ngăn nắp, vừa có những điều mới mẻ lành mạnh khác để làm mới cuộc sống.

Còn nếu bạn là một người khá messy có thể tìm được sự trật tự trong sự lộn xộn thì cứ make the most of it nhé. Cuộc sống luôn đa chiều, và mình tôn trọng sự khác biệt đó. Happy living!

CUONG TRAN

Ocha – Tokyo, 28.07.2020

MỘT SỐ BÀI VIẾT KHÁC:

Ứng dụng tâm lý học màu sắc vào học tập và làm việc

Quản lý email với phương pháp Inbox Zero

Dọn dẹp không gian cho máy tính

The pilot

Cách mình ghi chép khi đi lâm sàng

Hiểu như thế nào về productivity trong học tập và làm việc

Cách quản lý to-do list

Posted by

Chào bạn, mình là Cường. Đây là nơi mình tự do lưu giữ vài hành trình trong cuộc sống. Hy vọng bạn cùng chia sẻ, và tìm được cái gì hay ho, bạn nha.

11 thoughts on “Mình đã tối ưu hóa thời gian như thế nào?

  1. Còn nếu bạn là một người khá messy, có thể là dấu hiệu bẩm sinh của genius và creativity đó. Quan trọng là hiểu mình như thế nào và make the most of it nhé. Cuộc sống luôn đa chiều, và mình tôn trọng sự khác biệt đó.

    Cảm ưn người bác sĩ. Đọc cả bài thấy như bị tấn công vậy á cho tới khi đọc câu cuối thì được an ủi chút xíu=)))) Happy living nha anhh :p

  2. Pingback: The Pilot

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *