CHUYỆN HIẾN MÁU VÀ CÁI NHÓI ĐAU

Đầu tháng này mình vừa mới đi hiến máu lần thứ 5 ở Nhật. Tuy là nhân viên y tế và từng tham gia nhiều chiến dịch kêu gọi tuyên truyền, nhưng mình chưa từng bao giờ tham gia hiến máu ở Việt Nam trước đây. Dù từng thực hiện tiêm cho nhiều bệnh nhân, và luôn miệng bảo đừng sợ không đau đâu, cho đến khi mình thấy độ to của cây kim lấy máu, mình đã thật sự cảm thấy có nỗi hoang mang nhất định haha.

Quy trình hiến máu ở Nhật khá quy củ. Từ lần đầu trở đi, mình cứ đi hiến theo lịch định kì 3 tháng hoặc 6 tháng ở trung tâm.  

Mình đưa thẻ hiến máu cho bạn tiếp tân, bạn hỏi có reserve trước không và phải tốn cỡ 1-2 tiếng. Mình đồng ý và bạn cảm ơn rối rít, đề nghị mình sát trùng tay, đo nhiệt độ, hỏi một số câu để xác nhận có xuất ngoại gần đây không, có dị ứng không,… và đưa cho số chờ, không quên nhắc để dù và đồ đạc vào tủ. Bên trong chỗ ngồi chờ có trà nước, và wifi free.

Ngồi chờ một chút thì bạn tiếp tân gọi số, dán vòng số lên tay phải. Hỏi xác nhận tên, lấy dấu vân tay, cân nặng, hỏi có thay đổi số điện thoại và địa chỉ không, ăn sáng mấy giờ, tối qua ngủ mấy tiếng. Bạn kêu mình đặt 2 tay lên vai trong vòng 30s, và đề nghị hoàn thành bảng survey 23 câu hỏi về bệnh sử. Sau đó bạn hướng dẫn chỗ đo huyết áp và đem kết quả cho bạn tiếp tân. Bạn tiếp tân kẹp vào xấp hồ sơ, hướng dẫn đi vào phòng gặp bác sĩ tư vấn để xác nhận lại thông tin và tình trạng sức khoẻ hiện tại.

Trước khi hiến máu, cần kiểm tra sinh hóa. Bạn điều dưỡng hỏi xác nhận lại số, tên, nhóm máu. Sau đó bạn yêu cầu để 2 tay lên bàn và kiểm tra vị trí phù hợp để lấy máu. Tĩnh mạch bên phải nổi lên khá rõ, mình cũng xác nhận lần trước lấy máu bên tay phải. Bạn lấy máu để kiểm tra bên tay trái, dán mã vạch lên vòng đeo tay, giữ hồ sơ và hướng dẫn sang khu chờ hiến máu, không quên nhắc có nước uống bù điện giải trước khi hiến máu. Mình tranh thủ uống 1 hộp sport drink, quan sát bạn staff lau dọn ghế sau mỗi lượt.

Bạn nurse mời vào ghế ngồi. Ghế thiết kế tuỳ theo vị trí lấy máu ở bên trái hay bên phải. Bạn hỏi mình xác nhận lại họ tên và nhóm máu, rồi đưa cho mình đọc tờ hướng dẫn những điều cần làm và chú ý sau khi hiến. Trước ghế ngồi có màn hình xem TV và remote điều khiển, loa tích hợp ở gối đầu nên áp đầu vô lúc tựa là nghe được âm thanh. Bạn nói là bạn chuẩn bị sát trùng tay. Mình thấy việc nói ra như vậy rất hay, để cho mình biết và an tâm. Bạn cũng mang găng tay trước mặt mình, làm mình nhớ lại đợt đi thực tập ở bệnh viện cũng được nhắc là xé khay dụng cụ trước mặt bệnh nhân. Sau đó, bạn tiến hành sát trùng cồn bề mặt rồi bằng chlorhexidine, vừa làm vừa nói từng bước trước khi thực hiện. Bạn chu đáo xin lỗi vì có thể đau một chút, và thao tác rất nhanh và thuần thục trước khi mình nhận ra cái kim nó rất to 😂. Cảm giác nhói và đau hơn lúc lấy máu kiểm tra. Cảm giác này ban đầu nó mạnh lắm, nó quấy rối tâm trí và xao nhãng đầu óc rất dữ dội làm mình muốn phản ứng lại. Nhưng mình cố gắng tập trung vào quan sát hơi thở, rồi nó lắng xuống dần dần và biến mất. Mình liên tưởng đến những cảm giác ngứa, tê khi ngồi thiền cũng y chang vậy luôn. Quan sát nó, hít thở một hồi thì nó lắng lại. Lúc lấy máu tay mình lạnh nên bạn còn đưa cho miếng pad ấm để cầm. Khi kết thúc, bạn dán băng cá nhân, băng lại quanh khuỷu tay, đo huyết áp kiểm tra, xác nhận có hoa mắt chóng mặt không, dặn dò và cảm ơn.

Mình quay lại quầy tiếp tân. Bạn staff đưa cho 1 cái muỗng ăn kem. Mình lấy 1 hủ kèm thêm 1 ly trà xanh nóng, rồi nhận lại thẻ hiến máu và vài phần bánh kẹo nho nhỏ. Kết quả xét nghiệm máu có thể xem trên website 1 ngày sau hoặc được gửi về nhà sau 1 tuần.

Mỗi lần hiến máu xong mình đều nghỉ ngơi vài ngày sau mới khoẻ hẳn lại. Cảm thấy may mắn và biết ơn vì cơ thể còn khoẻ mạnh.

CUONG TRAN

Ocha-Tokyo, 18.03.2021

Photo by Tim Marshall on Unsplash

Posted by

Chào bạn, mình là Cường. Đây là nơi mình tự do lưu giữ vài hành trình trong cuộc sống. Hy vọng bạn cùng chia sẻ, và tìm được cái gì hay ho, bạn nha.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *